Thứ tư, 22/01/2025
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
1. Thông tin chung về Tạp chí
         Tạp chí Y học dự phòng (Vietnam Journal of Preventive Medicine-VJPM) là Diễn đàn khoa học chính thức của Hội Y học dự phòng Việt Nam, ra đời từ năm 1991. Tạp chí được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu xuất bản trong nước. Đây là tạp chí có bình duyệt (peer-reviewed journal), công bố những công trình nghiên cứu gốc (original papers), bài tổng quan (reviews), bài bình luận (commentary), bài giới thiệu sách, tài liệu và những tin tức, sự kiện (Communication/News & Events/Book review) liên quan đến tất cả các khía cạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, phổ biến chính sách, giáo dục, thực hành trong y học dự phòng và y tế công cộng.
            Tạp chí xuất bản 8 -10 số/năm (không bao gồm các số phụ bản và chuyên đề).
            Ngôn ngữ xuất bản: Tiếng Việt (có tóm tắt bằng tiếng Anh); tiếng Anh.
2. Quy định chung cho tất cả các loại bài đăng trong Tạp chí
         Bài gửi đăng là bài chưa được gửi (để xem xét) hay đăng trên bất kỳ một tạp chí trong nước và quốc tế nào khác.
           Mỗi tác giả đứng tên đầu, hoặc tác giả liên hệ của bài báo được nhận đăng tối đa hai (2) bài trong một số. Một bài báo không quá 1 tác giả liên hệ.
           Bài đăng gửi tới Tòa soạn bản điện tử (nội dung bản thảo định dạng file là *.doc, *.docx và hình ảnh dạng *.tif, hoặc *.jpg), sử dụng bảng mã Unicode: TCVN 6909:2001 (Times New Roman), khổ A4, cỡ chữ 12, khoảng cách giữa các dòng là 1,5; lề mỗi chiều để 3 cm (1.2 inch).
          Cách viết tên động thực vật, vi sinh vật áp dụng theo quy định phân loại của Linné (Carl von Linné), khuyến khích sử dụng tên gốc Latin. Tên thuốc, sinh phẩm, hóa chất sử dụng tên gốc theo Dược điển, từ điển Bách khoa Việt Nam. Hạn chế sử dụng chữ viết tắt; cụm từ viết tắt không nên quá 5 chữ; từ viết tắt cần được viết đầy đủ ở từ gốc dùng lần đầu và/hoặc được giải nghĩa, ngoại trừ những từ viết tắt nổi tiếng như HIV/AIDS, PCR...
           Các mục chính được đánh theo số La mã (I, II…); mục nhỏ (nếu có) đánh theo hệ thống số A-rập (1.2; 1.2.1….) nhưng không quá 3 tầng số. Sử dụng danh pháp “Bảng” áp dụng cho bảng số liệu và “Hình” (áp dụng chung cho các dạng biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh minh họa) và đánh theo số thứ tự như Bảng 1, Bảng 2,… Tổng số bảng và hình không nên quá 5 bảng/hình cho mỗi bài. Mỗi bảng không nên chia quá 8 cột và trình bày ẩn vạch cột dọc. Các bảng, hình được gửi file gốc tách riêng so với bài viết tới Ban biên tập.
         Tài liệu tham khảo (TLTK): Được đánh số trong ngoặc vuông theo trình tự xuất hiện trong bài trích dẫn [1] hoặc [1, 2], [1, 3 - 6]... Cần hạn chế số lượng TLTK (ngoại trừ bài tổng quan), cụ thể: Đối với bài Công trình nghiên cứu, TLTK không quá 18 tài liệu; bài Tổng quan, không quá 30 tài liệu. Chỉ trích dẫn những tài liệu đã được đọc qua và có liên quan trực tiếp đến vấn đề cụ thể nào đó (dữ liệu) được nêu ra trong bài (TLTK không nên quá 10 năm so với công trình công bố). Cần viết đầy đủ thông tin quy định đối với mỗi loại TLTK như các ví dụ dưới đây:
- Tham khảo tạp chí tiếng Việt:
1. Nguyễn Văn X, Phạm Thị T, Lê Văn C. Tình hình các bệnh truyền nhiễm tại các tỉnh Tây Nguyên, Việt Nam, 2000 – 2009. Tạp chí y học dự phòng. 2010; 20 (5): 8 – 14.
-  Tham khảo tạp chí tiếng Anh:
1. Pham TH, Tran HN, Honiby PA, et al. Risk factors for human infection with avian influenza A H5N1, Vietnam, 2005. Emerg Infect Dis. 2006; 11 (9): 1882 - 1887.
- Tham khảo sách (tiếng Việt, tiếng Anh):
1. Lê Quang C, Nguyễn Cảnh T. Phan Văn S. Cẩm nang vi sinh vật y học. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. 2005; 99 - 127.
2. Martens H and Naes T. Multivariate Calibration. 1991. Chichester, UK: J. Wiley and Sons.
- Tham khảo chương/bài của sách:
1. Chianelli RR, Daage M, Ledoux MJ. Fundamental studies of transition-metal sulfide catalytic materials. In Advances in Catalysis, Vol. 40, edited by Eley DD, Pines H, and Haag WO. 1994. Burlington, Mass.: Academic Press.
- Tham khảo từ website {trích dẫn trực tiếp đến trang tham khảo}:
1. WHO. Measles vaccines: position paper – April 2017. Truy cập ngày 05/4/2021.
https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/255149/WER9217.pdf;jsessionid=D7B8CAAFE0BDA699571EABDC045CAD45?sequence=1.
2. Chính phủ. Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng. Số: 104/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016.
Lưu ý: Nếu số tác giả TLTK nhiều hơn 3 người thì từ người thứ 4 trở đi viết tắt là cs. (tài liệu tiếng Việt) hoặc et al. (tài liệu tiếng Anh).
3. Quy định cho từng loại bài chuyên biệt
3.1. Bài báo nghiên cứu gốc (Original paper)
         Bài báo nghiên cứu gốc đăng những phát hiện mới dựa trên kết quả nghiên cứu bằng thực nghiệm, lý thuyết, điều tra...
         Định dạng (format) chung bài báo gốc: Tên bài (tiếng Việt); Tên tác giả và địa chỉ; Tóm tắt tiếng Việt (bao gồm từ khóa); Đặt vấn đề; Phương pháp; Kết quả; Bàn luận; Kết luận; Lời cảm ơn (nếu có); Tài liệu tham khảo; Tiêu đề tiếng Anh; Tên và địa chỉ tiếng Anh; Tóm tắt tiếng Anh;
        Bài báo gốc không nên quá 3.500 từ (khoảng 8 trang) kể cả bảng và hình, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt bằng tiếng Anh (nếu quá sẽ tính thêm tiền tăng trang theo quy định).
         Tiêu đề: ngắn gọn, súc tích, không dùng các từ viết tắt, phản ánh được nội dung chính của bài báo và nên thể hiện được yếu tố mới, sáng tạo của công trình nghiên cứu; viết chữ in thường, đậm.
         Tên tác giả, tên cơ quan công tác: Viết đủ tên (các) tác giả, không ghi chức danh, học vị; sắp xếp tên tác giả theo mức độ đóng góp đối với công trình khoa học, mỗi tác giả được đánh số tương ứng với số đánh dấu cho cơ quan công tác. Thông tin về tác giả liên hệ (có thêm dấu *): Họ và tên, địa chỉ liên lạc, điện thoại và email viết ở cuối trang thứ nhất của bài báo.
         Tóm tắt: Nêu tóm lược mục tiêu nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu; kết quả chính đã đạt được và kết luận. Nên viết thành một đoạn văn liên hoàn, không dùng cách viết gạch đầu dòng, xuống dòng hay chia mục. Tổng số từ trong phần tóm tắt không nên quá 250.
         Từ khóa: Sử dụng những từ (cụm từ) ngắn gọn, có ý nghĩa đại diện và liên quan trực tiếp đến nội dung chính của bài báo. Số lượng: từ 3 - 6 từ/cụm từ.
         Đặt vấn đề: Nêu rõ lý do dẫn dắt đến việc thực hiện nghiên cứu (dựa trên yêu cầu của thực tiễn hoặc những hạn chế/ưu, nhược điểm chỉ ra bởi các tài liệu tham khảo); tính mới, tính sáng tạo của nghiên cứu. Trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải thực hiện nghiên cứu này? Giả thuyết nghiên cứu ra sao? Mục tiêu nghiên cứu là gì (không gạch đầu dòng hay đánh số mục tiêu)? Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp gì cho chuyên ngành? Dung lượng viết không hạn chế, song không nên dài quá 1 trang (khoảng 600 từ).
      Phương pháp: Nêu rõ đối tượng nghiên cứu; địa điểm và thời gian nghiên cứu; thiết kế nghiên cứu; cỡ mẫu nghiên cứu, phương pháp chọn mẫu tiêu chuẩn mẫu;  (nếu là nghiên cứu theo mẫu); vật liệu, hóa chất và thiết bị chính (ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nếu là nghiên cứu trong Labo); biến số nghiên cứu; phương pháp thu thập thông tin; xử lý và phân tích số liệu (sử dụng phép kiểm định thống kê gì, sử dụng phần mềm gì?); đạo đức trong nghiên cứu). 
         Một số bài đặc biệt khác sẽ do Ban biên tập quyết định.
        Kết quả: Trình bày các số liệu, thông tin chính thu được sau khi đã được phân tích, xử lý. Các kết quả được trình bày phù hợp logic với từng nội dung nghiên cứu đã thực hiện (không chia thành các tiểu mục quá nhỏ hay các gạch đầu dòng). Bảng và hình phải được trình bày theo đúng qui định của tạp chí (xem mục 2) và được đề cập đúng vị trí trong bài. Có thể diễn giải bằng chữ để nhấn mạnh hoặc làm rõ hơn những kết quả quan trọng trong bảng, hình nhưng không nhắc lại toàn bộ số liệu. Bảng và hình cần được gửi riêng bằng file đính kèm theo bài báo. Không đưa các ý kiến bàn luận, đánh giá, so sánh với tác giả khác...vào phần Kết quả.
         Bàn luận: Bàn luận bám sát theo các kết quả đã trình bày và sử dụng các tài liệu tham khảo có liên quan (nếu có) để so sánh, đối chiếu với kết quả thu được từ nghiên cứu của mình. Không nhắc lại toàn bộ phần kết quả đã nêu. Đưa ra những nhận định, phân tích và bàn luận khác, từ đó dẫn tới các thông điệp mang tính chất công bố phát hiện mới và/hoặc thông báo, khuyến nghị, cảnh báo hay khuyến khích những nghiên cứu tiếp theo.
        Kết luận: Khái quát thành một đoạn văn hoàn chỉnh nhằm trả lời cho các mục tiêu đề ra. Trích dẫn một vài số liệu minh chứng, chú ý cần phân biệt kết luận không có nghĩa là nhắc lại kết quả (không gạch đầu dòng hay đánh số kết luận), đưa ra các khuyến nghị nếu có.
         Lời cảm ơn: Đối với sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức, dự án đã cộng tác, tài trợ, hỗ trợ để thực hiện nghiên cứu.
         Tiêu đề, tác giả và địa chỉ, tóm tắt bằng tiếng Anh: phải được dịch sát nghĩa với mục tiếng Việt tương ứng, đúng ngữ pháp và phù hợp với văn phong khoa học.
         Tài liệu tham khảo: Xem mục 2. Quy định chung.
3.2 Bài báo tổng quan (Review paper)
         Bài báo tổng quan tập trung trình bày một cách hệ thống những kết quả nghiên cứu đã thực hiện trước đó ở trong và ngoài nước về một chủ đề nhất định thuộc lĩnh vực y học dự phòng, từ đó đưa ra những nhận định về ưu, nhược điểm, xu hướng và triển vọng nghiên cứu của chủ đề đó trong thời gian tới.
       Định dạng bài tổng quan: Tên bài; Tên tác giả và địa chỉ; Tóm tắt; Đặt vấn đề; Nội dung tổng quan; Kết luận; Lời cảm ơn (nếu có); Tài liệu tham khảo; Tiêu đề tiếng Anh; Tên và địa chỉ tiếng Anh; Tóm tắt tiếng Anh.
        Bài tổng quan gửi đăng không quá 4.500 từ (khoảng 10 trang chuẩn) kể cả hình ảnh, bảng biểu, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt bằng tiếng Anh.
         Cấu trúc bài báo tổng quan:
         Tiêu đề: ngắn gọn, súc tích nhưng phản ánh được chủ đề cần tổng quan, tránh từ viết tắt.
         Tên tác giả, tên cơ quan công tác: (tương tự như bài báo gốc).
        Tóm tắt:  Nêu khái quát về chủ đề tổng quan; mục đích bài viết; cách thu thập, xử lý tài liệu tham khảo; xu hướng, triển vọng nghiên cứu và kết luận. Tổng số từ phần tóm tắt: dưới 200 từ.
        Từ khóa: Sử dụng những từ (cụm từ) ngắn gọn, có ý nghĩa và liên quan trực tiếp đến chủ đề tổng quan. Số từ: Từ 3-6 cụm từ.
        Đặt vấn đề: Nêu rõ vấn đề cần tổng quan và lý do dẫn dắt đến việc tổng quan chủ đề nghiên cứu này (dựa trên yêu cầu của thực tiễn; những hạn chế hoặc triển vọng của chủ đề nghiên cứu);  nêu rõ ý nghĩa của việc tổng quan chủ đề nghiên cứu (Bài tổng quan này sẽ đóng góp gì cho việc định hướng trong chuyên ngành?); quan điểm, cách tiếp cận của tác giả khi tổng quan vấn đề.
       Phần nội dung (thân bài): Nội dung tổng quan có thể phân thành các tiểu mục, phân theo quan điểm và cách tiếp cận của tác giả. Có thể diễn giải bằng văn viết hoặc sử dụng dạng bảng, biểu, sơ đồ, hình ảnh do tác giả xây dựng mới hoặc trích dẫn theo TLTK. Chú ý việc ưu tiên những tài liệu được công bố trong thời gian gần nhất so với thời điểm viết bài tổng quan; cần nêu rõ những thành tựu và tồn tại trong mỗi tài liệu tham khảo. Hình ảnh, bảng biểu phải được trình bày theo đúng qui định của tạp chí và được đặt đúng vị trí trong bài. Cần có ý kiến nhận định và chỉ ra xu hướng nghiên cứu về chủ đề đã tổng quan trong tương lai.
        Kết luận: Nêu rõ bài tổng quan đã cung cấp được những thông tin gì? Có đạt được mục tiêu đề ra của bài tổng quan hay không? Triển vọng nghiên cứu tiếp về chủ đề đó như thế nào?
         Lời cảm ơn: Cảm ơn sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, đề tài, cơ quan và/hoặc tổ chức đã hỗ trợ để thực hiện bài tổng quan này.
         Tiêu đề, tác giả và địa chỉ, tóm tắt bằng tiếng Anh: phải được dịch sát nghĩa với mục tiếng Việt tương ứng, đúng ngữ pháp và phù hợp với văn phong khoa học.
         (Xem mẫu bài tổng quan ở dưới trang này)
3.3 Diễn đàn Y học dự phòng (Forum for Preventive Medicine)
         Là những bài viết mang tính nhận định, bình luận, đánh giá, đóng góp ý kiến, phỏng vấn về những vấn đề thuộc lĩnh vực Y học dự phòng và Y tế công cộng, trước hết là các vấn đề đang nổi lên và có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn nổi trội. Mục đích là tạo ra một diễn đàn rộng rãi cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, kinh doanh..., nhằm phục vụ sức khỏe cộng đồng ở những góc nhìn mang tính khoa học.
         Định dạng: Tên bài; Nội dung bài (có thể chia thành nhiều mục nhỏ), trong đó trình bày mục đích bài viết, các quan điểm, nhận định, bình luận, đánh giá...của tác giả; Kết luận: Những ý kiến mang tính chủ đạo cho bài viết và ý kiến đóng góp, đề xuất (nếu có); Tên tác giả và địa chỉ. Bài viết có thể trích dẫn một số TLTK chính, tuy nhiên không nên quá 5 tài liệu, cách trích dẫn và viết TLTK theo quy định chung.
         Dung lượng: Khoảng 1.500 từ (không quá 3 trang, bao gồm cả các bảng, hình, TLTK nếu có).
3.4 Tin tức và sự kiện về Y học dự phòng (News & Events)
         Là những bài viết mang tính thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học hoặc các sự kiện khoa học - công nghệ liên quan đến lĩnh vực y học và y tế dự phòng ở trong và ngoài nước, công bố trong thời gian gần nhất. Có thể là bài viết lần đầu, bài dịch hay biên dịch từ tài liệu nước ngoài, bài toàn văn hay trích đăng từ tư liệu của các chương trình, dự án sức khỏe.
         Định dạng: Tên bài; Nội dung chính của thông tin và sự kiện; Tên tác giả viết bài và địa chỉ. Nếu là bài dịch hoặc bài trích đăng cần ghi rõ tư liệu gốc.
           Dung lượng: Mỗi bài không nên quá 600 từ (khoảng 1 trang chuẩn).
3.5 Giới thiệu tư liệu Y học dự phòng (Documents for Preventive Medicine)
       Là bài giới thiệu (toàn văn hoặc trích đoạn) các văn bản có tính pháp quy, những tư liệu mang tính hướng dẫn chính thống cho những vấn đề đang nổi lên thuộc lĩnh vực Y tế dự phòng trong nước, đã công bố trong thời gian gần nhất.
       Định dạng: Tên văn bản/tư liệu; Nội dung cốt yếu của văn bản/tư liệu (toàn văn, tóm tắt  hoặc trích đoạn); Tên cơ quan/tổ chức ban hành; Tác giả viết bài và địa chỉ.
         Dung lượng: Tùy thuộc dung lượng văn bản/tư liệu đăng, tuy nhiên khuyến khích việc tóm tắt hoặc trích đoạn đối với những văn bản/tư liệu quá dài, mỗi bài nên viết không quá 1500 từ (khoảng 2,5 trang chuẩn).
3.6 Điểm & Giới thiệu sách mới (Book Reviews & News):
        Là bài viết điểm về những cuốn sách hoặc tài liệu (chuyên khảo, tham khảo, giáo khoa, giáo trình, hướng dẫn) có liên quan tới các vấn đề nổi lên trong lĩnh vực Y học dự phòng, xuất bản thời gian gần đây.
          Định dạng: Tên sách hoặc tài liệu; Tên tác giả, nhà xuất bản; khổ sách, số trang, số TLTK, giá bán (nếu có); Nội dung và hình thức của sách; Cách tiếp cận với sách/tài liệu. Tên tác giả bài viết giới thiệu. Có thể kèm theo ảnh dạng pdf của cuốn sách hay tài liệu.
          Dung lượng: Mỗi bài giới thiệu không quá 1200 từ (khoảng 2 trang chuẩn).
4. Quy trình xét duyệt
         Mỗi bản thảo dạng Tổng quan (Review) hoặc công trình nghiên cứu gốc (Original paper) sẽ được bình duyệt độc lập (Phản biện kín 2 chiều) bởi ít nhất 2 chuyên gia. Từ ý kiến nhận xét của các chuyên gia bình duyệt, Ban biên tập sẽ quyết định bài báo có được chấp nhận đăng hay không và trả lời tác giả trong thời gian 2 tháng kể từ khi nhận được bài gửi đăng theo đúng thể lệ và hoàn tất thủ tục gửi đăng đối với bài đăng thông thường và trong thời gian tối thiểu 1 tháng đối với bài đăng đặc biệt và khẩn cấp.
        Bản thảo được gửi lại kèm theo phiếu Trích lục để tác giả chỉnh sửa theo các ý kiến nhận xét, thông tin về sự chấp thuận từ các chuyên gia bình duyệt và Tổng Biên tập.
        Bản thảo sẽ được quét tỷ lệ trùng lặp ít nhất 2 lần trước khi gửi đi phản biện và trước khi xuất bản (Tỷ lệ trùng lặp được chấp thuận ≤ 25%).
         - Quét lần 1 (Trước khi gửi đi phản biện)
         - Quét lần 2 (Sau khi phản biện, tác chỉnh sửa được duyệt)
         Tác giả sẽ chịu chi phí quét tỷ lệ trùng lặp theo số lần quét.
        Bài trước khi gửi phản biện phải hoàn tất thủ tục: Bài tuân theo thể lệ gửi bài; đóng lệ phí đăng bài, đóng phí quét tỷ lệ trùng lặp; nộp bản cam kết đăng bài theo mẫu có chữ ký tươi; cung cấp đầy đủ thông tin email, số điện thoại của các đồng tác giả trong bài báo để tạp chí xác nhận thông tin đồng thuận gửi đăng bài báo.
          Bài không được đăng sẽ không được trả lại kinh phí đã nộp.
5. Lệ phí gửi bài
STT Loại bài Mức giá/bản thảo Áp dụng
1
Công trình nghiên cứu gốc
(dưới 3.500 từ hoặc 8 trang A4)
1.500.000đ Tất cả các tác giả
 -  Quy trình duyệt đăng bài thông thường
 - Thời gian công bố: 4-6 tháng
 -  Xuất bản theo số thường kỳ
2.500.000đ Tác giả có yêu cầu đặc biệt
 - Quy trình duyệt đăng bài: 2-3 tháng
 - Thời gian công bố: 2-3 tháng (online first)
 - Xuất bản theo số mới nhất
Trường hợp bài quá số trang theo quy định sẽ tính 50.000đ/1trang
2 Bài tổng quan
(Dưới 4.500 từ hoặc 10 trang A4)
1.500.000đ Tất cả các tác giả
 -  Quy trình duyệt đăng bài thông thường
 - Thời gian công bố: 4-6 tháng
 -  Xuất bản theo số thường kỳ
2.500.000đ Tác giả có yêu cầu đặc biệt
 - Quy trình duyệt đăng bài: 2-3 tháng
 - Thời gian công bố: 2-3 tháng (online first)
 - Xuất bản theo số mới nhất
-  Trường hợp bài quá số trang theo quy định sẽ tính 50.000đ/1trang
-  Trường hợp là bài Tạp chí đặt viết sẽ được miễn phí đăng bài
3 Thư gửi ban biên tập
(Dưới 1.500 từ, hoặc 3 trang A4)
Miễn phí Được chi trả nhuận bút theo quy định của Tạp chí
4 Bài viết chuyên đề, tin tức khác (Dưới 1.000 từ) Miễn phí Được chi trả nhuận bút theo quy định của Tạp chí
Lưu ý: 
- Tất cả các công trình trước khi công bố đều phải trải qua bình duyệt của 2 chuyên gia do Ban biên tập mời và được sự đồng ý đăng của Tổng biên tập.

Lệ phí được nộp trực tiếp cho Tòa soạn hoặc chuyển khoản qua tài khoản của Tạp chí.

6. Quyền lợi của tác giả

Tác giả chính sẽ nhận được 01 bản mềm bài của tác giả và 01 bản tạp chí giấy (liên hệ tòa soạn).


Thông tin tài khoản Tạp chí:
Tên tài khoản: Tạp chí Y học dự phòng
Số tài khoản: 112000111594
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội

Địa chỉ liên lạc:
Tòa soạn Tạp chí Y học dự phòng
Số 1 Yersin, Hà Nội.
Điện thoại: (84.24) 3972 3938/ 0983867586 (Ms. Thắm), Fax: (84.24) 3821 9 504
E-mail:
tapchiyhdp@vjpm.vn
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log