Cần xây dựng thói quen rửa tay từ nhỏ.
|
Ngày nay, việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch có giá trị phòng bệnh cao, rất dễ hiểu và dễ làm, ai cũng biết, cũng làm được, tưởng như đó là điều hiển nhiên. Vậy mà sự ra đời, rồi được phổ biến đến mọi người của việc rửa tay phòng bệnh, lại trải qua một quá trình rất dài, đôi khi phải trả một giá khá đắt. Câu chuyện xảy ra cách đây khoảng gần 200 năm. Tại một bệnh viện lớn ở Pháp, người ta thấy rằng các sản phụ phải mổ đẻ có tỉ lệ tử vong rất cao. Thật đau xót khi mổ đẻ thì mẹ tròn con vuông, song chỉ sau khoảng một tuần, đa số các bà mẹ mất đi do nhiễm khuẩn sau mổ, để lại những cháu bé còn đỏ hỏn khát sữa mẹ. Một bác sĩ đã phải chứng kiến cảnh này trăn trở mãi. Cho đến một ngày, chợt ông nghĩ đến đôi bàn tay của các bác sĩ phẫu thuật và những y tá, điều dưỡng, chăm sóc sản phụ sau mổ. Như có một tia chớp lóe lên, ngày hôm sau, ông yêu cầu các bác sĩ phẫu thuật và những người liên quan đến ca mổ, chăm sóc sau mổ phải rửa tay bằng xà phòng kỹ lưỡng trước khi thực hành nhiệm vụ. Như có một phép màu, tỉ lệ tử vong sau mổ giảm hẳn, thành công còn hơn sự mong đợi. Từ đó, việc rửa tay bằng xà phòng được áp dụng cho các phẫu thuật khác nữa và nhiều công tác y tế nói chung. Và dần dần, việc rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh được phổ biến và áp dụng tại cộng đồng như ngày nay chúng ta đã biết.
Cách đây vài năm, khi ấy, bệnh tay - chân - miệng có khuynh hướng lan tràn thành dịch. Chúng tôi đến một trường mẫu giáo để phổ biến công tác phòng bệnh. Thật là thương khi thấy cô giáo và các bé chăm chỉ rửa tay đến mức bàn tay của các cháu có dấu hiệu của “xà phòng ăn da tay”. Tất nhiên chúng tôi hướng dẫn cô trò những thời điểm rửa tay cần thiết, ấy là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị bữa ăn, trước khi đến trường và sau khi từ trường về nhà. Về cách rửa tay: sau khi xát xà phòng đủ, chúng ta hãy xoa xà phòng từ cổ tay đến lòng bàn tay, chụm các đầu ngón tay phải chà vào lòng bàn tay trái và ngược lại, chà kỹ các ngón tay, chà mu bàn tay (trong vòng khoảng 30 giây đến 1 phút), sau đó rửa bằng nước sạch. Như vậy sẽ phòng được khá nhiều bệnh như các bệnh tiêu chảy, bệnh giun sán, bệnh tay - chân - miệng, các bệnh cúm, đặc biệt là cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9.
Và mới đây thôi, tôi đi khám sức khỏe cho công nhân ở một nhà máy trà. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu tôi không gặp một cô gái khá xinh, dáng cao, bàn tay thon thả nhưng móng tay khá dài. Tôi đùa: Người dáng cao, đẹp. Móng tay dáng cao (dài) thì... cũng đẹp nhưng rất là không sạch! Cô gái đỏ mặt hứa rằng sẽ cắt ngắn móng tay. Chẳng biết cô gái có cắt ngắn móng tay không, nhưng muốn rửa tay sạch thì móng tay của chúng ta phải luôn luôn được cắt ngắn.
Một vài kinh nghiệm về rửa tay phòng bệnh chúng tôi gom góp được như thế này: Trước hết là phương tiện rửa tay. Ở thành phố, thị xã, thị trấn thì thường là lavabô hoặc vòi nước. Ở nông thôn thì đành phải là chậu rửa. Tuy nhiên, dù là lavabô, vòi nước hay chậu rửa thì cũng luôn luôn phải có sẵn xà phòng và khăn lau tay sạch. Vị trí đặt phương tiện rửa tay phải thuận tiện, chẳng hạn như gần nhà vệ sinh, gần nhà ăn. Có phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch sẵn sàng, chúng sẽ nhắc nhở bạn: “Hãy rửa tay bằng xà phòng và nước sạch”.
Khi bạn rửa tay đã thành thói quen, tới một lúc nào đó, bạn đang ở một nơi nào đó không phải nhà bạn, nếu bạn chưa rửa tay được vào những thời điểm cần thiết như kể trên (vì chưa thấy chỗ rửa tay), mà bạn thấy khó chịu và phải đi tìm chỗ để rửa tay thì kể như bạn đã thành công trong việc “rửa tay phòng bệnh” rồi đấy.
Về giá trị của xà phòng, như chúng ta đã biết, tôi muốn nói thêm rằng “xà phòng cũng tương tự như một loại vaccin phòng được nhiều bệnh”, hay ngắn gọn hơn, “xà phòng - vaccin phòng bệnh đa năng”. Còn ý kiến bạn thì sao? Bạn có đồng ý với tôi không?
BSCKI. Nguyễn Tất Ứng (Trung tâm Truyền thông - GDSK Lâm Đồng)