Khoa học thế giới
Sẽ có vắc xin phòng bệnh sốt rét?
Cập nhật lúc 13:55 21/08/2013
Báo La Croix thông báo một tin vui về khả năng sẽ chế ra loại vắcxin phòng bệnh sốt rét, một căn bệnh cũng khá phổ biến tại Việt Nam. Theo La Croix, giới nghiên cứu Mỹ vừa công bố trong tạp chí Science kết quả công trình nghiên cứu giai đoạn một trong thử nghiệm lâm sàng của vắc xin phòng chống sốt rét
Trong hồ sơ khoa học, báo La Croix thông báo một tin vui về khả năng sẽ chế ra loại vắcxin phòng bệnh sốt rét, một căn bệnh cũng khá phổ biến tại Việt Nam. Theo La Croix, giới nghiên cứu Mỹ vừa công bố trong tạp chí Science kết quả công trình nghiên cứu giai đoạn một trong thử nghiệm lâm sàng của vắc xin phòng chống sốt rét. Căn bệnh này hàng năm gây tử vong cho hơn 700.000 người trên thế giới.
Tổng cộng, có 40 người từ 20 đến 44 tuổi tham gia thử nghiệm giai đoạn một. Trong chín người lớn được tiêm vắc xin với liều mạnh nhất, sáu người đã được bảo vệ 100%.
Báo La Croix dẫn lời TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID) nhận xét : «Số người tham gia thử nghiệm lâm sàng còn ít và cần phải chứng minh khả năng miễn dịch bền vững và hiệu quả đối với nhiều biến thể khác nhau của ký sinh trùng sốt rét». Công ty dược phẩm Sanaria nghiên cứu vắc xin nêu trên với sự hợp tác của Viện nghiên cứu dị ứng và các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ (NIAID).
Vắc xin được điều chế từ ký sinh trùng Plasmodium falciparum và đang được nghiên cứu ở giai đoạn một. Kết quả vô cùng khả quan và trong giai đoạn tới, công trình nghiên cứu cần được đào sâu. Sắp tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng ở trẻ em tại châu Phi, nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh sốt rét cao.
Tờ báo nhận định, cho dù nghiên cứu đạt nhiều kết quả khả quan nhưng phải đợi ít nhất 10 năm nữa mới hy vọng có một vắc xin phòng bệnh sốt rét, bởi vì việc phát triển một vắc xin mới luôn là một quá trình lâu dài và phức tạp.
Tuy nhiên, nhân loại cũng không nên hy vọng khi Mỹ vừa công bố tin vui này. Bằng chứng là trong quá khứ, chúng ta đã bị thất vọng nhiều lần. Trong những năm 1980, công trình của nhà nghiên cứu người Colombia, Manuel Patarroyo đã mang lại nhiều hy vọng cho nhân loại. Thế nhưng, cuối cùng công trình đó đã không thành công. Gần đây nhất, người ta đã trông đợi nhiều vào các thử nghiệm được hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK-Anh) và Quỹ Gates hợp tác thực hiện trên diện rộng tại châu Phi. Thế nhưng, kết quả cũng không như mong đợi. Hiện nay, cần phải thừa nhận rằng chưa có loại vắcxin nào được điều chế để chống các bệnh ký sinh.
Nguồn RFI tiếng Việt