Tham dự hội nghị có PGS.TS.Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế; cùng một số đại biểu các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Hội nghị Sản Phụ khoa Việt - Pháp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000. Trải qua 22 năm tổ chức, hội nghị đã trở thành sự kiện khoa học lớn, là diễn đàn quan trọng với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu
PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, khẳng định đây là hội nghị hết sức quan trọng của ngành Sản phụ khoa cũng như Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Các báo cáo được trình bày trong hội nghị bởi các giáo sư, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ giúp ngành phụ sản nói riêng và ngành Y tế nói chung có thêm nhiều năng lượng mới để tiếp tục phát triển, phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.
Theo PGS.TS.Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị cho biết: Những hội nghị được tổ chức trước đây chỉ là những hội nghị có quy mô nhỏ, khoảng vài trăm đại biểu tham dự, các báo cáo khoa học chủ yếu đến từ các nhà khoa học Pháp. Nhưng đến nay, hội nghị có quy mô lớn dần với hàng nghìn đại biểu và theo hình thức trao đổi khoa học chuyên ngành, chuyên sâu, những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được ứng dụng nhằm mục tiêu chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho bà mẹ và em bé.
PGS.TS.Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị phát biểu.
Hội nghị Sản Phụ khoa Việt-Pháp không chỉ bao gồm các nhà khoa học Việt Nam và Pháp, mà còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Italy, Phần Lan, Australia, Thái Lan; Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc).
Tại hội nghị, các chuyên gia có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lâm sàng, cận lâm sàng, cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực sản khoa, phụ khoa, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, y học thai nhi... và một số lĩnh vực chuyên ngành sâu khác.
Hội nghị còn là dịp để Việt Nam nhìn nhận, xác định vị trí của mình trong khu vực và trên thế giới, để có định hướng phát triển trong thời gian tới.
Đồng thời, đây là dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học; để lãnh đạo các cơ quan, bệnh viện chuyên khoa về sản nhi của các vùng, miền chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác quản lý, khám chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ để nâng cao sức khỏe cho nhân dân, nhất là trong lĩnh vực sản phụ khoa, sức khỏe sinh sản.
Hội nghị là cơ hội để các hãng trang thiết bị y tế, dược phẩm, sinh phẩm, các nhà sản xuất, các labo, nhãn hàng trong lĩnh vực y học và chuyên sâu trong lĩnh vực sản phụ khoa, sức khỏe sinh sản, chẩn đoán trước sinh, hỗ trợ sinh sản... giới thiệu các sản phẩm tốt, kỹ thuật hay, tiên tiến, những máy móc, trang thiết bị hiện đại, thông minh...
Hội nghị Sản Phụ khoa Việt – Pháp lần thứ 23 diễn ra trong 2 ngày 14-15/8 với 1 phiên toàn thể, 8 phiên chuyên đề. (Sản khoa; Chẩn đoán trước sinh và y học thai nhi; Phụ khoa; Hỗ trợ sinh sản và nội tiết; Sản khoa-sơ sinh; Ung thư phụ khoa; Dược và điều dưỡng) và 4 phiên vệ tinh (Duy trì thai kỳ hiệu quả: Tiếp cận điều trị từ chứng cứ mới; Tiếp cận đột phá hướng tới loại trừ ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; An toàn khi sinh: Góc nhìn lâm sàng trong khởi phát chuyển dạ và phòng ngừa băng huyết sau sinh; Chiến lược sử dụng kháng sinh trong vô sinh hiếm muộn và thực hành sản phụ khoa).
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ trình bày 55 báo cáo khoa học, trong đó có 19 bài của các chuyên gia từ Anh, Pháp, Mỹ, Australia, Singapore...
Quang cảnh hội nghị
Ngày 15/8/2023, Hội nghị Sản Phụ khoa Việt-Pháp lần thứ 23 sẽ diễn ra với một phiên toàn thể, 8 phiên chuyên đề (Sản khoa; Chẩn đoán trước sinh và y học thai nhi; Phụ khoa; Hỗ trợ sinh sản và nội tiết; Sản khoa-sơ sinh; Ung thư phụ khoa; Dược và điều dưỡng) và 4 phiên vệ tinh (Duy trì thai kỳ hiệu quả: Tiếp cận điều trị từ chứng cứ mới; Tiếp cận đột phá hướng tới loại trừ ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; An toàn khi sinh: Góc nhìn lâm sàng trong khởi phát chuyển dạ và phòng ngừa băng huyết sau sinh; Chiến lược sử dụng kháng sinh trong vô sinh hiếm muộn và thực hành sản phụ khoa).