Thứ sáu, 22/11/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu
Bệnh sởi năm 2013 - 2014 và những vấn đề cần quan tâm

Bệnh sởi năm 2013 - 2014 và những vấn đề cần quan tâm

Cập nhật lúc 02:52 21/04/2014
Tạp chí Y học dự phòng số 2/2014 giới thiệu bài viết của TS. Vũ Đình Thiểm - Chủ nhiệm khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về tình hình dịch sởi năm 2013 - 2014
Thực trạng dịch bệnh sởi
Sau một số năm lắng xuống, năm 2013 các trường hợp mắc bệnh sởi lại tăng lên đáng kể tạo ra đợt bùng phát dịch sởi năm 2013-2014. Tính đến cuối tháng 2-2014 đã có 47 trên tổng số 63 tỉnh, thành cả nước có báo cáo mắc sởi.
Những trường hợp sởi đầu tiên xuất hiện vào tháng 4-2013. Từ 6 ca đầu tiên trong tháng 4 của năm 2013, số ca sởi tăng dần, đạt đỉnh thứ nhất vào tháng 7 (184 ca xác định), sau đó giảm dần để rồi lại đạt tới đỉnh thứ 2 vào tháng 11 (245 ca) và duy trì ở mức cao trong tháng 12-2013 (137 ca). Trong 2 tháng đầu 2014 số mắc luôn đứng ở mức cao (khoảng trên 400 ca mỗi tháng). Như vậy tính riêng trong năm 2013 đã có trên 3900 ca nghi sởi, trong đó có gần 450 ca sởi xác định phòng thí nghiệm (số ca xét nghiệm dương tính trong tổng số 1593 mẫu xét nghiệm được thu thập từ bệnh nhân nghi sởi). Riêng 2 tháng đầu năm 2014 đã có trên 2500 ca nghi mắc, trong đó có trên 890 ca sởi được xác định phòng thí nghiệm.
Kết quả giám sát phân bố theo khu vực trong năm 2013 cho thấy số ca sởi tập trung cao nhất ở khu vực miền Bắc (có 28 tỉnh) với trên 2000 trường hợp nghi sởi. Khu vực miền Nam (20 tỉnh) với trên 1500 ca. Khu vực miền Trung (11 tỉnh) có gần 300 ca và khu vực Tây nguyên (4 tỉnh) có 54 ca nghi sởi được báo cáo. Tại miền Bắc các tỉnh miền núi là Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu là 4 địa phương có số mắc cao nhất; trong khi phía Nam các tỉnh có số mắc cao hơn là TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Tuy nhiên sang đầu năm 2014 xu hướng mắc đã tăng lên ở những tỉnh thành đông đúc dân cư như Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Khi phân tích 893 ca sởi có xét nghiệm dương tính về lứa tuổi mắc sởi trên cả nước cho thấy các lứa tuổi từ dưới 1 tuổi tới 30 tuổi đều có thể mắc sởi. Tuy nhiên nhóm tuổi dưới 10 tuổi chiếm cao nhất, khoảng 75% tổng số ca xác định, trong đó trẻ dưới 12 tháng tuổi chiếm khoảng 21%. Trong nhóm trẻ dưới 1 tuổi mắc sởi cũng đã có khoảng 30 trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho thấy lỗ hổng miễn dịch có ngay ở những nhóm trẻ được coi là “an toàn” với bệnh sởi.
Phân tích số liệu 913 ca sởi xác định theo tình trạng tiêm chủng nhận thấy có khoảng 14% số ca mắc đã từng được tiêm chủng dự phòng sởi vào những thời điểm khác nhau. Trong số đó tỷ lệ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi khoảng 5%, cho thấy lỗ hổng miễn dịch có ngay trong những trường hợp đã có tiền sử tiêm chủng phòng sởi, thậm chí tiêm đầy đủ mũi. Tuy nhiên tuyệt đại đa số ca mắc sởi (khoảng 85%) vẫn là những người chưa từng được tiêm chủng vắc xin dự phòng.
Không nhận thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc sởi ở nam giới và nữ giới khi tỷ lệ mắc ở nam là 49% và ở nữ là 51%.
Theo những phân tích trong Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2013 của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thì đây là một vụ dịch trên phạm vi cả nước, trong tình trạng một số quốc gia khu vực cũng đã bùng phát dịch sởi. Có nhiều lý do dẫn tới sự bùng phát dịch bệnh sởi năm 2013-2014. Trước hết là theo quy luật về chu kỳ dịch của sởi từ 3-5 năm (đợt bùng phát trước vào năm 2008-2009). Tiếp theo là tình hình thời tiết khí hậu năm vừa qua phù hợp cho việc xuất hiện và lan truyền bệnh đường hô hấp, trong đó sởi là một trong những bệnh có ái lực lây truyền cao nhất ở các nhóm trẻ em chưa có hoặc chưa đủ miễn dịch. Một lý do rất quan trọng được nhấn mạnh là việc cộng đồng dân cư, vì những lý do khách quan khác nhau, đã ngần ngại và không đưa con em mình đi tiêm chủng một số loại vắc xin, từ đó có thể đã ảnh hưởng luôn tới tỷ lệ tiêm đúng, tiêm đủ lịch của vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng vào những tháng vừa qua.
Khuyến cáo của Bộ Y tế
Trước tình hình bùng phát dịch bệnh sởi trên cả nước, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã có một số khuyến cáo với những điểm chính yếu nhất như sau:
·         Các cơ sở y tế trên cả nước tăng cường các hoạt động giám sát, báo cáo ca bệnh, hướng dẫn việc cách ly, tổ chức điều trị kịp thời để hạn chế tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong do sởi cũng như tình trạng lây truyền sởi. Đặc biệt chú trọng các nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em từ 9 tháng tới 10 tuổi, người di cư thường xuyên, người chưa được tiêm phòng sởi.
·         Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để có hiệu quả cao, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.  Việc tiêm các mũi vắc xin sởi bổ sung sau đó có thể thực hiện, tùy theo tình trạng miễn dịch và nguy cơ bị lây nhiễm của đối tượng là cao hay thấp.
Khi phát hiện trẻ em hay những người ở tuổi thanh niên có sốt, phát ban, viêm xuất tiết mũi họng cần khai báo và đưa tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm rộng cho cộng đồng
 
TS. Vũ Đình Thiểm
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Thông tin khác:
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log