Thứ hai, 23/12/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Vắc xin cúm mùa 4 thành phần: sự chuyển hướng mới

Cập nhật lúc 00:42 10/01/2014
Tạp chí Y học dự phòng số 8/2013 xin giới thiệu bài viết về vắc xin cúm mùa 4 thành phần của ông Nguyễn Xuân Tùng - Cục y tế dự phòng-Bộ Y tế
Bệnh cúm là một bệnh rất phổ biến trong cộng đồng và phân bố rộng khắp toàn cầu. Ở Việt Nam tỷ lệ mắc Hội chứng cúm hàng năm tính trên 100.000 dân trung bình từ 1500 -2000 trường hợp. Cúm thường xuyên đứng hàng đầu trong số 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất. Vắc xin cúm là một trong những biện pháp dự phòng có hiệu quả để ngăn ngừa bệnh và dịch cúm. Cho tới ngày nay đã có hàng chục loại vắc xin cúm bất hoạt và vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất theo những tiếp cận công nghệ khác nhau và được cấp phép sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên toàn cầu.
 
Vắc xin cúm tam liên
Dựa trên mục đích phòng ngừa, hiện có vắc xin cúm dự phòng đại dịch (pandemic in­fluenza-vaccine) và vắc xin phòng cúm mùa (seasonal influenza-vaccine). Chế phẩm cúm đại dịch để dự phòng khẩn cấp cho tình huống xuất hiện các biến chủng vi rút cúm mới, có sự thay đổi lớn về kháng nguyên, đe dọa hoặc đã gây ra dịch lớn hay đại dịch toàn cầu. Còn vắc xin cúm mùa được sản xuất định kỳ, sử dụng các chủng vi rút không biến đổi hay chỉ có các biến đổi rất nhỏ về kháng nguyên bề mặt, được cập nhật theo thời gian từng năm. Trong khi các vác xin cúm đại dịch thường chỉ chứa thành phần kháng nguyên của một chủng vi rút cúm biến chủng mới duy nhất (monovalent influenza-vaccine) thì các chế phẩm cúm mùa lại chứa thành phần kháng nguyên của 3 phân týp vi rút cúm được coi là thường xuyên lưu hành trên toàn cầu, do đó có tên chung là vắc xin cúm mùa “tam liên” (seasonal trivalent influenza-vacine - TIV). Do đặc điểm dịch tễ về sự lưu hành và phân bố của các chủng vi rút cúm, trong đó chủng vi rút cúm B hầu như không thay đổi về bản chất kháng nguyên, từ những năm 70 của Thế kỷ XX đến nay trong công thức của vắc xin cúm mùa do bất cứ nhà sản xuất nào trên thế giới cũng đều chứa 3 thành phần kháng nguyên, trong đó 2 thành phần đại diện cho vi rút cúm týp A là A/H1N1 và A/H3N2 và một thành phần đại diện cho vi rút cúm týp B. Những thành phần kháng nguyên cúm đặc hiệu cho từng năm và đều do Cơ quan giám sát cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn lọc và giới thiệu, thường vào đầu tháng Hai hàng năm, tới các quốc gia thành viên và các nhà sản xuất vắc xin. Lấy ví dụ trong thành phần của vắc xin cúm mùa năm 2012-2013 sử dụng cho các quốc gia khu vực Nam bán cầu có công thức như sau:
1. Chủng vi rút tương đương chủng A/Cali­fornia/7/2009 (H1N1)pdm09;
2. Chủng vi rút tương đương chủng A/Victo­ria/361/2011 (H3N2);
3. Chủng vi rút tương đương chủng B/Wisco­sin/1/2010.
 
Vì sao cần phát triển vắc xin cúm tứ liên
Những kết quả nghiên cứu dịch tễ học về sự thay đổi kháng nguyên bề mặt cũng như về sự phân bố các chủng vi rút cúm trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Hoa Đại lục cho thấy vai trò của vi rút cúm týp B đã tăng lên và tỏ ra đa dạng hơn. Vi rút B thường chiếm tới 20-25% các chủng cúm lưu hành, có chu kỳ gây dịch từ 2-4 năm. Tuy tỷ lệ gây ốm nhập viện do cúm B thấp hơn các vi rút cúm A/H3N2 nhưng lại có phần cao hơn so với vi rút A/H1N1. Tỷ lệ mắc cúm B đặc biệt cao và có thể gây tử vong ở người cao tuổi. Nếu như trước những năm 1990 hầu như chỉ có một chủng cúm B/Victoria/87 lưu hành trên toàn cầu, thì tới đầu những năm 1990 lại đây bắt đầu xuất hiện chủng cúm B/Yamagata tồn tại song song với chủng cúm B đã có với vai trò gây bệnh ngày càng có xu hướng tăng lên. Từ năm 2000 tới nay cả 2 chủng vi rút cúm B trên đây cùng đồng thời lưu hành và thay phiên nhau nổi trội theo năm và theo từng khu vực. Những chế phẩm vắc xin cúm mùa “tam liên” theo công thức cũ đã tỏ ra kém hiệu quả trong phòng ngừa bệnh cúm ở Trung Quốc và Mỹ cùng một số nước khác.
Để đối phó hiệu quả với sự biến đổi dịch tễ trên đây do vi rút cúm týp B mới gây ra, Trung tâm CDC-Hoa Kỳ đã khuyến nghị nghiên cứu, sản xuất chế phẩm vắc xin cúm mùa “tứ liên” (Quadrivalent influenza-vac­cine – QIV) có chứa thêm thành phần kháng nguyên của chủng cúm B/Yamagata, ngoài 3 thành phần kháng nguyên của 2 chủng cúm týp A và một chủng cúm týp B đã có. Năm 2012 WHO chính thức đưa ra khuyến cáo các nhà sản xuất đưa thêm thành phần thứ hai của vi rút cúm týp B vào công thức vắc xin cúm mùa thường niên.

Ưu điểm của vắc xin cúm tứ liên
Những cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 với vắc xin tứ liên QIV đã được tiến hành tại Hoa kỳ và Pháp là những quốc gia sản xuất đầu tiên loại vắc xin cúm này. Kết quả cho thấy các chế phẩm thử đều đạt độ an toàn cao không khác biệt so với vắc xin “tam liên’ đã được cấp phép. Đau đầu là triệu chứng thường gặp nhất, còn những phản ứng tại chỗ và toàn thân khác cơ bản như dự kiến. Mức độ đáp ứng kháng thể ở giai đoạn 3 thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng, đa trung tâm tại Hoa Kỳ cho thấy cả 4 loại kháng thể đặc hiệu với 4 thành phần kháng nguyên trong công thức của QIV đều đạt yêu cầu về tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh, tỷ lệ có kháng thể bảo vệ và hiệu giá trung bình nhân kháng thể, trong đó mức độ đáp ứng kháng thể đối với thành phần kháng nguyên B/Yamagata không thấp hơn so với của týp B/Brisban/60/2008 (một chủng có cấu tạo tương tự với cúm B/Victoria/2/87).
Sau những thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt tại nước xuất xứ cũng như một số quốc gia khác, hiên nay chế phẩm vắc xin cúm mùa “tứ liên” QIV của một số nhà sản xuất lớn tại Pháp và Mỹ đã bắt đầu được cấp phép lưu hành. Đây là một sự chuyển hướng hợp lý và là hướng phát triển tốt cho vắc xin cúm trong thời gian tới để góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng ở mọi lứa tuổi, mọi khu vực.
Nguyễn Xuân Tùng
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế
Thông tin khác:
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log