Hoạt động Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần giúp mọi người chủ động trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Với mục tiêu đào tạo các bác sỹ chuyên khoa định hướng Y học dự phòng thì trang bị hệ thống các kiến thức và kỹ năng cơ bản về Truyền thông - Giáo dục sức khỏe là thực sự cần thiết.Trong khuôn khổ của Dự án “ Hỗ trợ phát triển hệ thống Y tế dự phòng” của Bộ Y tế được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ, Bộ y tế đã biên soạn cuốn sách “Truyền thông giáo dục sức khỏe” nhằm đáp ứng trước hết cho đào tạo bác sỹ chuyên khoa định hướng y học dự phòng, đồng thời có thể đáp ứng một phần nhu cầu tham khảo của một số bạn đọc quan tâm, nhất là những cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ TT-GDSK trong hệ thống y tế dự phòng.
Cuốn sách gồm 10 bài với các nội dung cơ bản về TT-GDSK, bao gồm cả bài lý thuyết và thực hành, giúp người đọc nắm được các bước thực hành TT-GDSK và yêu cầu để rèn luyện các kỹ năng TT-GDSK cơ bản nhất.
Bài 1 gồm 3 mục giới thiệu về TT-GDSK và nâng cao sức khỏe, giúp học viên phân biệt được các khái niệm và trình bày được mối liên quan giữa truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe. Với các mô hình và sơ đồ dựa trên Tuyên ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới giúp người học có sự hình dung rõ ràng về các khái niệm. Bài này cũng nêu rõ vai trò của TT-GDSK trong chăm sóc sức khỏe và trách nhiệm thực hiện TT-GDSK, giới thiệu chức năng và nhiệm vụ của hệ thống tổ chức TT-GDSK ở nước ta từ tuyến trung ương đến tuyến xã, phường và thôn bản trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài 2 giới thiệu về quá trình thay đổi hành vi, yếu tố ảnh hưởng đến hành vi và các mô hình thay đổi hành vi sức khỏe. Hành vi của con người là một hay nhiều hành động phức tạp, mà các hành động này lại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, chủ quan và khách quan. Mục 1 học viên sẽ có được các khái niệm cơ bản về hành vi và hành vi sức khỏe. Mục 2 gồm các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe. Học viên nắm được các kiến thức về các yếu tố như niềm tin, thái độ, thời gian, nhân lực, văn hóa... tác động đến hành vi con người. Điều này giúp học viên tìm ra được giải pháp can thiệp TT-GDSK phù hợp với cộng đồng. Mục 3 trình bày cụ thể các khái niệm, nội dung, vận dụng mô hình trong nghiên cứu hành vi sức khỏe của các mô hình về hành động có lý do (TRA), mô hình niềm tin sức khỏe (HBM), mô hình các giai đoạn thay đổi...
Trong 3 bài tiếp theo, các khái niệm về truyền thông và mục đích của truyền thông, phương pháp và phương tiện TT-GDSK, quản lý hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe đã được giới thiệu cụ thể. Với các mục nhỏ được dẫn dắt mạch lạc, học viên có khả năng trình bày được các khái niệm và các khâu cơ bản của truyền thông, trình bày khái quát một số mô hình truyền thông như mô hình Claude Shannon, mô hình David Berlo. Các mục hướng dẫn phương pháp giáo dục sức khỏe gián tiếp, trực tiếp gắn liền với việc sử dụng các phương tiện TT-GDSK giúp người học lựa chọn được phương pháp và phương tiện phù hợp đạt hiệu quả trong quá trình TT-GDSK.
Hoạt động của một chương trình TT-GDSK có thành công hay không khi so sánh với mục tiêu đã được xây dựng trước là phần nội dung cơ bản trong việc đánh giá hoạt động TT-GDSK được trình bày trong Bài 6. Việc đánh giá là một khâu rất quan trọng trong công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mọi chương trình TT-GDSK. Đánh giá nhằm mục đích lập kế hoạch cho các giai đoạn tiếp theo trong tương lai để đẩy mạnh chương trình, tăng cường hiểu biết và kỹ năng về thực hành TT-GDSK. Người đọc có thể thu được kiến thức qua các bước đánh giá, cách thu thập số liệu, viết báo cáo và sử dụng kết quả đánh giá được hướng dẫn đầy đủ trong các mục của bài này.
Thực hành truyền thông giáo dục sức khỏe với cộng đồng, cá nhân, nhóm là nội dung trong các Bài 7, 8 và 9. Phần lý thuyết gồm các khái niệm, nguyên tắc, các bước tổ chức tư vấn giáo dục sức khỏe. Phần thực hành tác giả hướng dẫn học viên thực hiện các bước chuẩn bị và các bước thực hành. Học viên sẽ tổng hợp được những ưu điểm, nhược điểm và những điều cần chú ý trong quá trình thực hành.
Bài 10 có chủ đề lập kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe. Tầm quan trọng của lập kế hoạch TT-GDSK được trình bày trong mục 1. TT-GDSK thường gắn liền với các chương trình y tế, vì thế cần xây dựng kế hoạch TT-GDSK lồng ghép với các hoạt động và chương trình y tế khác. Với các bước được hướng dẫn cụ thể sẽ giúp người học có thể lập kế hoạch cho một chương trình TT-GDSK và thực hành lập kế hoạch TT-GDSK.
Với nguồn tài liệu tham khảo phong phú, các bài giảng được sắp xếp theo trình tự hợp lý để người đọc dễ theo dõi, cuốn sách là nguồn tài liệu dạy học quý báu cho chương trình đào tạo Bác sỹ định hướng chuyên khoa y học dự phòng.
Tạp chí YHDP hân hạnh giới thiệu cuốn sách này với quý độc giả với sự trân trọng dành cho tập thể biên soạn là những nhà khoa học có uy tín, làm việc có trách nhiệm cao trong việc soạn thảo và biên tập cuốn sách này gồm TS Lê Văn Hiến, TS Lê Thị Tài, TS Kim Bảo Giang, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội. Có thể tiếp cận cuốn sách tại các tủ sách chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm YTDP, thư viện các Viện nghiên cứu YHDP, các trường Đại học Y-Dược trên toàn quốc.