Chủ nhật, 24/11/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Tuần lễ tiêm chủng ở Việt Nam: Lịch sử và hiện tại

Cập nhật lúc 20:02 17/06/2014
Tạp chí YHDP xin được giới thiệu bài viết của GS.TS nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án TCMR quốc gia về Tuần lễ tiêm chủng ở Việt nam năm 2014.
Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là một trong những chương trình mục tiêu sức khỏe quan trọng hàng đầu ở Việt Nam, nhằm góp phần giảm thiểu tác hại và gánh nặng do các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm cho trẻ em ở nước ta, hướng tới mục tiêu Thiên Niên Kỷ làm giảm hai phần ba số trẻ em chết dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990. Được bắt đầu từ năm 1981 và trải qua hơn 25 năm triển khai có hệ thống, chương trình TCMR ở Việt nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên những biện pháp và sáng kiến mới cần được bổ sung, cập nhật thường xuyên để nâng cao hiệu quả của chương trình. Một trong những sáng kiến đó chính là sự ra đời Tuần lễ tiêm chủng hàng năm trên phạm vi toàn cầu và ở từng quốc gia hiện nay.

1. LỊCH SỬ VÀ  MỤC TIÊU CỦA TUẦN LỄ TIÊM CHỦNG
Lịch sử của Tuần lễ tiêm chủng
Tuần lễ tiêm chủng“ Immunization week” là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) về bảo vệ cuộc sống bằng vắc xin phòng bệnh thông qua tiêm chủng.  Mục đích của sáng kiến này là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng, mở rộng thêm các bệnh được phòng và kiểm soát thông qua vắc xin, tiêm chủng cho những đối tượng có nguy cơ như những người sống ở khu vực biên giới và ven đô thị; đảm bảo tiếp tục các cam kết chính trị cho tiêm chủng.
Tuần lễ tiêm chủng ở Mỹ bắt đầu từ năm 2003, châu Âu vào năm 2005, Địa Trung Hải vào năm 2010, châu Phi và khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2011. Tới năm 2014 đã có 180 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 khu vực trên thế giới hưởng ứng sự kiện đầy ý nghĩa nhân đạo và nhân văn này.
Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới, mỗi khu vực, quốc gia tổ chức sự kiện Tuần lễ tiêm chủng trong thời gian nhất định của tháng 4 và lựa chọn những chủ đề riêng.
Sự kiện Tuần lễ tiêm chủng diễn ra với nhiều hình thức hoạt động như: tổ chức mít tinh; tổ chức các buổi tiêm chủng tại cộng đồng, tại trường học; chiến dịch tiêm chủng bổ sung; các hoạt động huy động nguồn lực cho tiêm chủng; lồng ghép tiêm chủng với các hoạt động y tế khác, thông tin truyền thông về tiêm chủng...

Mục tiêu của Tuần lễ tiêm chủng
- Nâng cao nhận thức cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng bệnh.
- Đánh giá cao những thành quả của tiêm chủng và bài học thành công trong hợp tác phối hợp liên ngành.
- Cố gắng dự phòng cho trẻ em khỏi mắc những bệnh bằng tiêm chủng vắc xin ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời.
- Tăng sự chú ý của cộng đồng về những kinh nghiệm và thành công của tiêm chủng.
- Tuyên dương những tổ chức và cá nhân tình nguyện tham gia tích cực vào các hoạt động tiêm chủng.
- Huy động các nguồn lực của các cá nhân, cộng đồng, các tổ chức kinh tế cho tiêm chủng.

Chủ đề Tuần lễ tiêm chủng năm 2014
Tuần lễ Tiêm chủng thế giới
Tuần lễ tiêm chủng năm nay diễn ra từ 21-27 tháng 4. Khẩu hiệu Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2014 là: “Tiêm chủng cho một tương lai khỏe mạnh: Biết, kiểm tra, bảo vệ ”.
Tiêm chủng là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất từ ​​trước đến nay. Tiêm chủng ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Ngày nay trẻ em không chỉ được bảo vệ phòng chống các bệnh đã có vắc xin từ nhiều năm như bệnh bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, lao mà còn được tiêm chủng phòng các bệnh như viêm phổi và tiêu chảy do rotavirus là hai trong số những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Hơn nữa, ngày nay thanh thiếu niên và người lớn có thể được bảo vệ chống lại các bệnh đe dọa tính mạng như cúm, viêm màng não, bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư gan nhờ các vắc xin mới, hiện đại.
Mặc dù thành công, nhưng trên thế giới vẫn còn 1 trong 5 trẻ bỏ lỡ cơ hội được tiêm chủng.  Năm 2012 ước tính có khoảng 22,6 triệu trẻ em không được tiếp cận với các dịch vụ tiêm chủng. Hơn một nửa trong số các trẻ này sống ở 3 nước: Ấn Độ, Indonesia và Nigeria. Sự thiếu kiến ​​thức về tiêm chủng là một trong những lý do chính tại sao người lớn lại chọn không tiêm chủng cho chính mình hoặc tiêm chủng cho con cái của họ.
Mục đích của Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm nay tìm cách giải quyết sự thiếu hụt về kiến ​​thức khiến cho mọi người không tiêm chủng. Mục tiêu cụ thể là làm mọi người trên thế giới:
  • Biết về các loại vắc-xin có sẵn để bảo vệ chống các bệnh truyền nhiễm;
  • Thúc đẩy kiểm tra tình trạng tiêm chủng của bản thân và gia đình của họ;
  • Nhận được vắc-xin mà họ cần từ nhân viên y tế địa phương.
Tuần lễ Tiêm chủng khu vực Tây Thái Bình Dương
Chủ đề Tuần lễ tiêm chủng năm nay của khu vực Tây Thái Bình Dương là: “Bảo vệ con bạn không bị bệnh viêm gan B và ung thư gan, hãy cho con bạn tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh”

2. TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG Ở VIỆT NAM
Lịch sử
     Năm 1981 chương trình TCMR được triển khai thí điểm tại Việt Nam với sự hỗ trợ của TCYTTG và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc. Đến năm 1985, chương trình TCMR được đẩy mạnh và được triển khai ở 100% tỉnh, thành trong cả nước với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt. Năm 1997 Chính phủ quyết định đưa thêm 4 vắc xin mới vào TCMR là vắc xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Từ tháng 6/2010, chương trình TCMR triển khai tiêm miễn phí vắc xin mới phòng bệnh viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib phối hợp các vắc xin phòng bệnh bạch hầu- ho gà- uốn ván - viêm gan B cho trẻ em dưới 1 tuổi, đánh dấu vắc xin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam.

Tình hình sử dụng vắc xin trong TCMR
      Các vắc xin trong TCMR hiện nay phòng ngừa được 11 bệnh, trong đó có 10 loại vắc xin được sản xuất trong nước (chỉ có vắc xin Hib hiện Việt Nam chưa sản xuất được). Số lượng vắc xin sử dụng trong TCMR trung bình hàng năm khoảng 45 - 50 triệu liều, kể cả vắc xin trong nước và nhập khẩu. Số lượng vắc xin sử dụng mỗi loại tùy thuộc vào lịch tiêm chủng và đối tượng tiêm chủng.
      Vắc xin BCG mỗi năm cần khoảng 4 triệu liều. Vắc xin OPV sử dụng khoảng 7-8 triệu liều/năm, nếu trong năm có triển khai uống OPV chiến dịch lượng vắc xin cần thêm khoảng 2-3 triệu liều. Vắc xin Sởi đông khô mỗi năm dùng khoảng 4,5 triệu liều, nếu có chiến dịch hoặc tiêm bổ sung số lượng tăng thêm khoảng 1-2 triệu liều. Vắc xin phối hợp 5 trong 1 mỗi năm sử dụng khoảng 5 triệu liều. Vắc xin DPT cần khoảng 3 triệu liều/năm. Vắc xin Viêm gan B mỗi năm cần khoảng 4,5 triệu liều, tuy nhiên từ năm 2010 đến nay do triển khai vắc xin phối hợp có thành phần viêm gan B nên chỉ sử dụng khoảng 1,5 triệu liều/năm cho mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh. Vắc xin uốn ván cần khoảng 6,5 triệu liều/năm trong khi vắc xin viêm não Nhật Bản mỗi năm cần khoảng 2,5 – 4 triệu liều.

Thành công của công tác TCMR năm 2013
    Năm 2013, với sự quan tâm của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự chỉ đạo sát sao và đầu tư thích đáng của Lãnh đạo Bộ Y tế và Ngành Y tế các tỉnh/thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đoàn thể xã hội và sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác TCMR ở các tuyến trong cả nước, công tác TCMR tiếp tục đạt được nhiều thành tựu:
  - Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành công thành quả thanh toán bại liệt và Loại trừ uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ mắc chết bệnh ho gà tiếp tục giảm trong năm 2013.
- Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi, tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ, vắc xin viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Điều này cho thấy sự cố gắng của hệ thống y tế các tuyến trong việc duy trì công tác TCMR, đặc biệt trong điều kiện ảnh hưởng của một số phản ứng sau tiêm chủng.
- Tăng cường chất lượng công tác TCMR một cách toàn diện: Rà soát, thanh kiểm tra, ra quyết định đủ tiêu chuẩn đối với các điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Tập huấn và tập huấn lại cho các cán bộ làm công tác tiêm chủng tại y tế cơ sở và một số bệnh viện về công tác an toàn tiêm chủng. Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng. Công tác tổ chức buổi tiêm, điểm tiêm chủng tại các địa phương đã được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đặc biệt chỉ định, chống chỉ định và tư vấn trước tiêm chủng ngày càng được quan tâm, thực hiện tốt hơn và nhận được sự ủng hộ của các bậc cha mẹ.
   Ngày 20 tháng 3 năm 2014,  Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 12/2014/TT-BYT Hướng dẫn việc quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng. Qua đây cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, Dự án TCMR, các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur, sự vào cuộc của chính quyền, Sở Y tế các tỉnh/TP, nỗ lực to lớn của các Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã.
- Công tác giám sát bệnh trong TCMR được tăng cường và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là giám sát bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi. Các phòng thí nghiệm vi rút sởi đã thực sự đóng góp cho công tác chẩn đoán sớm để có hoạt động đáp ứng kịp thời.
- Chương trình tiếp tục tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.

Mục tiêu của dự án TCMR năm 2014
Những mục tiêu cơ bản của TCMR trong năm 2014 là:
- Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt
- Duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh
- Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 85% .
- Tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt >80% và nữ tuổi sinh đẻ vùng nguy cơ cao đạt > 90%.
- Triển khai tiêm vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi đạt >90%
- Triển khai vắc xin phòng thương hàn, tả cho trẻ em tại vùng có nguy cơ cao.
- Triển khai tiêm nhắc vắc xin DPT (DPT4) ở trên toàn quốc đạt >80%
- Giảm tỷ lệ mắc các bệnh/100.000 dân:
  • Sởi: <0,1/100.000 dân
  • Bạch hầu: <0,01/100.000 dân
  • Ho gà <0,1/100.000 dân
Ngoài những mục tiêu cơ bản, trong năm 2014, Dự án TCMR có một số mục tiêu quan trọng như:
Tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cho tất cả trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong toàn quốc năm 2014-2015.
- Mở rộng triển khai tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên toàn quốc. - Cho đến năm 2013, vắc xin viêm não Nhật Bản đã được triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh/TP . Trong năm 2014, dự án TCMR sẽ thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản  bao phủ cho đối tượng trẻ em từ 1 – 5 tuổi trên toàn quốc.

Khó khăn, thách thức của TCMR năm 2014
Tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt trong khi vi rút bại liệt hoang dại vẫn lưu hành ở một số nước và là năm thứ 9 duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh. Tuy vậy, các hoạt động duy trì thành quả này cần được tăng cường. Đồng thời, việc tăng cường tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ tuổi sinh đẻ cần được củng cố, duy trì tỷ lệ cao, đặc biệt ở những vùng khó khăn, điều kiện sinh đẻ tại nhà và thực hành đẻ sạch còn nhiều hạn chế.
Ảnh hưởng của một số phản ứng nặng sau tiêm chủng gây ra tâm lý lo ngại cho các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng, cán bộ y tế dè dặt khi thực hiện chỉ định tiêm chủng nên việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em và phụ nữ sẽ khó khăn và nhiều thách thức. Mục tiêu Loại trừ bệnh sởi đang đến gần, công tác giám sát sởi ở hầu hết các địa phương cần được tăng cường.
Kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu công tác TCMR.

3. PHÒNG BỆNH VIÊM GAN B VÀ UNG THƯ GAN
Bệnh viêm gan B và vai trò của việc tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh

    Theo ước tính của TCYTTG, trên toàn cầu có khoảng 2 tỉ người bị nhiễm vi rút viêm gan B (VGB) và khoảng 350 triệu người mắc VGB mạn tính. Ước tính khoảng 1 triệu người chết mỗi năm vì hậu quả bệnh VGB. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh VGB cao với khoảng 10 - 20% dân số mang HbsAg.  Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ HBsAg ở phụ nữ có thai >10%. Lây truyền bệnh VGB vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng hiện nay.
    Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh lên tới 90% nếu mẹ bị nhiễm VGB. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi rút VGB từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành viêm gan mạn tính 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
    Cho đến nay, tiêm vắc xin VGB trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh được chứng minh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan từ mẹ sang con. Tiêm vắc xin trong 24 giờ đầu sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80 - 95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền viêm gan từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. Tiêm vắc xin VGB sớm còn giúp trẻ nhỏ được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu.
    Nếu không triển khai tiêm vắc xin VGB trong vòng 24 giờ sau sinh thì  hàng năm ước tính ở Việt nam có thêm khoảng 54.600 trẻ nhiễm vi rút VGB mãn tính và là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng, khoảng 20-30% số trẻ này (tương đương 11.000-16.000 trẻ) sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan sau này, chi phí điều trị sẽ rất tốn kém trong khi đó giá thành chi cho 1 liều vắc xin chỉ là 8.300 đồng.

Tình hình tiêm chủng vắc xin viêm gan B
    Vắc xin viêm gan B được Chính phủ cho phép đưa vào triển khai trong TCMR từ năm 1997. Đến năm 2003, được sự hỗ trợ của GAVI vắc xin VGB được triển khai trên toàn quốc cho trẻ <1 tuổi, tỷ lệ tiêm vắc xin VGB đủ 3 mũi luôn đạt trên 90%.
   Thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác phòng bệnh VGB, phòng lây truyền vi rút từ mẹ sang con, việc tiêm vắc xin VGB liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu đã được triển khai với sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn thể hiện qua sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh.
   Kể từ khi triển khai đến nay nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như của lãnh đạo dự án TCMR và các địa phương đã được ban hành, như công văn số 1963/2005/BYT; công văn số 6559/2008/BYT; công văn số 845/2010/QĐ – BYT; công văn số 2292/2010/BYT – DPMT; Quyết định số 2620/2012/QĐ-BYT; công văn số 424/2008/VSDTTƯ-TCMR v.v.. Nhờ đó và với những nỗ lực của cán bộ toàn ngành nên đến năm 2012 tỷ lệ tiêm vắc xin VGB sơ sinh trên toàn quốc đã đạt tỷ lệ 75%.
    Năm 2011, TCYTTG đã tiến hành một cuộc điều tra quốc gia về tỷ lệ nhiễm vi rút VGB ở trẻ em Việt Nam sinh trong giai đoạn 2000 - 2008 thông qua xác định kháng nguyên bề mặt HBsAg. Kết quả cho thấy xu hướng giảm tỷ lệ nhiễm vi rút VGB một cách rõ rệt của các nhóm trẻ sinh ra trong giai đoạn 2000-2008, kết quả này phù hợp với kết quả chương trình tiêm vắc xin VGB nói chung, tiêm vắc xin VGB cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ nói riêng.
    Trong năm 2012, theo đánh giá của TCYTTG khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 30  nước và vùng đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm VGB mạn tính xuống dưới 2% ở trẻ 5 tuổi trong đó có Việt Nam. Tại cuộc họp nhóm tư vấn kỹ thuật TCMR khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 22 vào tháng 6/2013, WHO đã đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ mắc vi rút viêm gan B ở trẻ 5 tuổi của khu vực xuống dưới 1% vào năm 2017. Để đạt mục tiêu này cần thực hiện chiến lược:
  • Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đạt ≥ 90%;
  • Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 3 mũi vắc xin viêm gan B ≥ 95%.
Những hoạt động cần triển khai tăng cường
 - Tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức về lợi ích trước mắt, lâu dài của việc tiêm vắc xin VGB liều sơ sinh cho cộng đồng.
- Tăng cường tiếp cận dịch vụ ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; tăng tỷ lệ đẻ  tại cơ sở y tế; chăm sóc bà mẹ trẻ em, truyền thông tới vùng đồng bào dân tộc.
- Cung ứng đầy đủ vắc xin VGB, trang bị tủ lạnh bảo quản vắc xin cho bệnh viện, trạm y tế.
- Hỗ trợ hoạt động nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm vắc xin VGB sơ sinh tại địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
- Truyền thông về tính an toàn của vắc xin VGB sơ sinh.
- Tăng cường chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế ở các địa phương về hoạt động tiêm vắc xin VGB liều sơ sinh.

4. CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN SỞI – RUBELLA   
     Bệnh sởi và bệnh rubella là những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm. Theo ước tính của TCYTTG, hàng năm trên toàn cầu có khoảng 150.000 trẻ tử vong do sởi biến chứng và khoảng 110.000 trẻ em sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh. Trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi-rubella là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi, rubella.
    Nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh sởi và hội chứng rubella bẩm sinh, tiến tới mục tiêu Loại trừ bệnh sởi dự kiến vào năm 2017, Dự án TCMR sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho tất cả trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi trong toàn quốc năm 2014-2015. Khoảng 23 triệu trẻ em sẽ được tiêm chủng miễn phí 1 mũi vắc xin sởi-rubella (MR) tại các điểm tiêm chủng trong trường học hoặc trạm y tế xã/ phường. Đây là một cơ hội lớn dành cho trẻ em Việt Nam được tiêm chủng phòng thêm bệnh rubella và củng cố miễn dịch phòng bệnh sởi bền vững hơn
Nguyễn Trần Hiển
Chủ nhiệm Dự án TCMR Quốc gia
Thông tin khác:
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log