Thứ hai, 23/12/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Thành phố ba không: Mục tiêu của cộng đồng Asean và Việt Nam tới năm 2015

Cập nhật lúc 10:30 07/07/2014
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là hướng tới mục tiêu 3 không: Không ca nhiễm HIV mới, Không kỳ thị với người nhiễm HIV và Không ca tử vong liên quan đến AIDS. Khối ASEAN đã thực hiện theo chủ đề này từ cuối năm 2011 và đã có những kết quả đầy hứa hẹn
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đưa ra Chiến lược giai đoạn 2011-2015: Getting To Zero như một chương trình toàn cầu nhằm phòng chống sự lây lan của đại dịch AIDS. Ba định hướng chiến lược chính được thiết lập để thay đổi diện mạo của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu là: (1) Cách mạng hóa dự phòng HIV, (2) Thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của chăm sóc, điều trị và hỗ trợ, và (3) Nâng cao quyền con người và bình đẳng giới trong phòng, chống HIV. Để thúc đẩy các cam kết chính trị về HIV/AIDS, nhóm công tác đặc nhiệm về phòng, chống HIV/AIDS của ASEAN (ATFOA) đã phát triển Tuyên bố của ASEAN về “Không còn người nhiễm HIV mới, Không còn phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, Không còn người tử vong liên quan đến AIDS” gọi tăt là Mục tiêu “Ba không” được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị ASEAN cấp cao lần thứ 19 vào tháng 11 năm 2011 tại Bali, Indonesia.
Ngay tiếp sau đó, Indonesia đề xuất phát triển một dự án cho khu vực để thực hiện các can thiệp toàn diện nhằm đạt được mục tiêu “Ba Không” bằng việc thiết lập một nhóm đối tác giữa các thành phố ưu tiên (được lựa chọn) của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Bảy (7) quốc gia thành viên ASEAN đồng ý tham gia vào kế hoạch với Indonesia, bao gồm: Campu­chia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippin, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, hai (2) thành phố Cần Thơ và Đà Nẵng tham gia thực hiện kế hoạch này. Các can thiệp chính được triển khai gồm: mở rộng điều trị, đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường tuyên truyền để giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV…
Mục tiêu cuối cùng của dự án “Thành phố hướng tới mục tiêu 3 Không của ASEAN” là đạt được một ASEAN “Không còn người nhiễm HIV mới, Không kỳ thị và Không còn người tử vong liên quan đến HIV năm 2015” tại các thành phố/vùng được lựa chọn của các quốc gia thành viên ASEAN có triển khai Chương trình làm việc ASEAN IV.

1. Căn cứ lựa chọn các thành phố tham gia dự án “Thành phố Ba Không” của ASEAN
Tiêu chuẩn quan trọng nhất để lựa chọn thành phố tham gia là tình hình dịch HIV ở mức độ cao và xác định được các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Một tiêu chí quan trọng khác để xem xét lựa chọn là thành phố sẵn có các số liệu cơ bản như điều tra giám sát huyết thanh học và hành vi qua các vòng khác nhau. Các thông tin này sẽ được sử dụng để đánh giá kết quả/tác động của chương trình vào năm 2015. Một tiêu chí cần cân nhắc là tính sẵn có của chương trình và dịch vụ y tế sẵn có tại địa phương ví dụ như đã triển khai các chương trình can thiệp, thành phố đã triển khai các chương trình phòng, chống HIV từ trước. Kết quả của bản kế hoạch này sẽ chứng minh cách tiếp cận khác nhau để thực hiện “Thành phố 3 Không”. Sự cam kết và chỉ đạo của lãnh đạo địa phương là một yêu cầu quan trọng nhất, cân nhắc đến phương pháp tiếp cận toàn diện và phối hợp đa ngành của địa phương trong hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS. Các nhà lãnh đạo đứng đầu thành phố đóng góp rất lớn trong việc chỉ đạo và điều phối các kế hoạch của địa phương và các dự án hiện có ở cấp thành phố để tạo ra một tác động lớn hơn của chương trình.
Giám sát và đánh giá sẽ là một thành phần rất quan trọng để chứng minh sự thành công của các giải pháp đề ra. Bên cạnh đó, cần đánh giá năng lực quản lý cấp thành phố cùng với hệ thống theo dõi, đánh giá đảm bảo tiến độ thực hiện dự án cũng như khả năng rút ra những bài học kinh nghiệm trong triển khai dự án để chia sẻ trong tương lai. Dự án là một mô hình triển khai mở rộng từ các đáp ứng với tình hình dịch HIV hiện có ở cấp thành phố. Điều quan trọng là xem xét các tiêu chí nhân rộng để xem xét các thành phố khác trên cả nước ở giai đoạn sau của dự án hoặc vượt ra ngoài dự án.

2. Chiến lược để đạt mục tiêu “Thành phố Ba Không”
Chiến lược chung bao gồm các hướng dẫn chung về lựa chọn chiến lược cụ thể. Đối với các chiến lược căn bản hoặc cốt lõi, mỗi quốc gia sẽ xem xét dựa theo danh sách của UN­AIDS nhưng sẽ thực hiện dựa trên kế hoạch chiến lược quốc gia cũng như trên sự xem xét bằng chứng sẵn có ở cấp quốc gia. Các chiến lược cụ thể được xác định và thảo luận cần phải được xem xét trong việc triển khai của chiến lược chung, bao gồm: Phương pháp tiếp cận thế nào để giải quyết hiệu quả các chính sách và các rào cản pháp lý. Tăng cường cung cấp dịch vụ cho nhóm cộng đồng đích nhằm giải quyết quan điểm của nhà cung cấp và khách hàng một cách “mở cửa” để thiết kế một hệ thống cung cấp “mềm”. Giải quyết vấn đề chất lượng dịch vụ cũng như duy trì hành vi tích cực trong các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng chính. Vai trò trung tâm của sự tham gia của cộng đồng trong việc lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ. Thu thập thông tin chiến lược để thiết kế các cách tiếp cận sáng tạo hiệu quả. Đảm bảo tính bền vững của chương trình thông qua đảm bảo kinh phí và nguồn nhân lực từ các quốc gia, tỉnh, thành phố, các đối tác và các dự án hoạt động trong phạm vi thành phố. Huy động các đối tác từ chính quyền thành phố (công an và các bên liên quan khác).

3.Tình hình triển khai thành phố Ba Không ở Việt Nam
Thành phố Cần Thơ và thành phố Đà Nẵng được chọn lựa tham gia thực hiện thành phố Ba Không từ tháng 7-2013 đến tháng 9-2015 với mục tiêu: “Không ca nhiễm HIV mới, Không kỳ thị và Không ca tử vong liên quan đến HIV” vào năm 2015 theo các chỉ tiêu của dự án “Thành phố 3 Không của ASEAN”.
Với Đà Nẵng, tỷ lệ nhiễm HIV chung ở đây không cao, tuy nhiên dịch có xu hướng lây lan sang các nhóm nguy cơ thấp ngoài cộng đồng trong một vài năm trở lại đây như nhóm phụ nữ mang thai hay nhóm nam mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Công tác dự phòng cho các nhóm này, do đó đã trở thành một thách thức mới cho Đà Nẵng. Để giảm số ca nhiễm mới và số người chết vì AIDS, chương trình dự phòng và điều trị của Đà Nẵng cần được duy trì và cải thiện. Trong khi đó, có thể thấy trong những mục tiêu liên quan tới Kế hoạch Thành phố Ba Không, vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là mục tiêu khó khăn nhất cho Đà Nẵng. Ngoài ra, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng là một mảng quan trọng mà Đà Nẵng cần tập trung nhiều hơn. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV hiện nay rất thấp và cần được cải thiện để đảm bảo chương trình nắm được số lượng nhiễm và có biện pháp dự phòng chủ động.
Đà Nẵng có được sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ phía các cấp chính quyền, đặc biệt từ phía Ủy ban Nhân dân. Chính quyền địa phương không chỉ tham gia xây dựng những văn bản chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, mà còn tham gia vào việc giám sát các hoạt động một cách sát sao. Có thể thấy sự phối kết hợp đa ban ngành với sự tham gia của ngành y tế, Sở thương binh Lao động Xã hội, ngành Công an và các tổ chức đoàn thể tại Đà Nẵng là một thành tựu có được từ sự sát sao đó. Các hoạt động dự phòng ở Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào can thiệp giảm hại, ví dụ như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch và chương trình điều trị thay thế Methadone. Chương trình chăm sóc và điều trị đã và đang được cải thiện, nhờ đó đã có sự giảm rõ rệt số người chết do AIDS, nhưng vấn đề dự phòng lao đi cùng cần được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, Đà Nẵng hiện còn thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Sự tham gia của các nhóm cộng đồng nói chung còn rất hạn chế. Việc huy động nguồn lực chưa được thực hiện tốt trong cộng đồng. Đó là những điểm yếu và cũng chính là rào cản của Đà Nẵng trong giai đoạn mới của chương trình, khi mà nguồn ngân sách hỗ trợ từ các dự án hiện đang giảm đi nhanh chóng. Hiện nay 75% ngân sách được hỗ trợ từ phía các nhà tài trợ sẽ hướng vào những mảng chương trình nòng cốt và quan trọng nhất như điều trị và giảm hại. Ngân sách nhà nước được sử dụng khá nhiều vào hoạt động truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tuy nhiên, hoạt động này lại cho thấy chưa đem lại kết quả tốt do còn thiếu nhiều hình thức truyền thông sáng tạo, và chưa huy động tối đa sự tham gia của các nhóm cộng đồng. Trong thời gian tới, vấn đề quan trọng hàng đầu của chương trình là thiếu ngân sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động tiếp cận cộng đồng và can thiệp giảm hại. Trong bối cảnh lây nhiễm HIV chủ yếu thông qua con đường tình dục không an toàn, dự phòng không tốt sẽ không thể giúp duy trì kết quả chương trình hiện nay.
Đà Nẵng hiện đang có những chương trình chuyển giao và tìm kiếm các nguồn lực khác để duy trì chương trình. Quan trọng hơn, vấn đề xã hội hóa chương trình HIV/AIDS mặc dù đã bắt đầu nhưng còn thiếu rất nhiều hướng dẫn và định hướng cụ thể. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng và sự tham gia các nhóm cộng đồng cũng cần được sớm tăng cường và cải thiện để đảm bảo tính bền vững của chương trình.
Với thành phố Cần Thơ trong vòng một vài năm trở lại đây, mỗi năm có thêm khoảng 1000 ca nhiễm mới, chủ yếu rơi vào nhóm nguy cơ cao, như nhóm phụ nữ bán dâm và tiêm chích ma túy. Quan hệ tình dục đồng giới nam là nhóm duy nhất duy trì và thậm chí giảm mạnh mức nhiễm vốn cũng đã thấp. Tỷ lệ nhiễm ở các nhóm nguy cơ thấp cũng có xu hướng bắt đầu tăng, thông qua con số người nhiễm tăng lên ở nhóm phụ nữ mang thai và khách hàng của phụ nữ bán dâm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm PNBD và TCMT bắt đầu giảm từ 2011 và 2012. Đó là nhờ vào một loạt các can thiệp giảm hại, đặc biệt thông qua việc phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su thông qua hệ thống mạng lưới đồng đẳng, cũng như việc cung cấp điều trị thay thế Methadone cho nhóm nghiện chích ma túy. Những kết quả này có thể được cải thiện tốt hơn nữa nếu các hoạt động của các nhóm KAP được duy trì và/hoặc mở rộng. Chương trình điều trị tại Cần Thơ hiện nay đã cung cấp cho khoảng 76% những người có HIV có nhu cầu, do đó mục tiêu Thành phố Ba Không có thể đạt được mà không mất quá nhiều công sức nỗ lực. Với việc áp dụng mô hình điều trị 2.0, Cần Thơ đã tiến thêm một bước nữa trong việc phổ cập điều trị trong cộng đồng. Điều trị lao cũng được cung cấp theo những hướng dẫn của cấp quốc gia ở các cơ sở y tế cấp quận/ huyện. Cản trở duy nhất trong chương trình điều trị của Cần Thơ là việc chưa điều trị được cho nhóm bệnh nhân trong tù.
Theo đó, dịch tại Cần Thơ trong thời gian sắp tới cần ưu tiên nhiều hơn cho dự phòng, còn chương trình điều trị thì cần được duy trì.
Những cải thiện trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Cần Thơ trong những năm vừa qua cần phải kể đến những thay đổi trong chiến lược và sự quan tâm sát sao của chính quyền thành phố. Cam kết chính trị của lãnh đạo tỉnh Cần Thơ được thể hiện thông qua sự tham gia chặt chẽ của Ủy ban Nhân dân trong việc ban hành các văn bản chính sách mới, phù hợp với hoàn cảnh, cần thiết để tạo nền tảng cho chương trình hoạt động. Hơn thế nữa, nhờ sự lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân, các ban ngành liên quan đã tham gia và phối hợp tốt với nhau, đặc biệt trong công tác giảm hại và truyền thông về HIV/AIDS. Đó là những điểm mạnh trong chương trình của Cần Thơ cần được duy trì trong thời gian tới. Nhờ sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ, sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt của các nhóm KAP đã thành công trong một vài lĩnh vực nhỏ, như tiếp cận cộng đồng, truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Mặc dù các nhóm này không có địa vị pháp lý, họ vẫn hoạt động dưới sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan điều phối hoạt động phòng, chống AIDS tại địa phương, Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS vẫn chưa có cơ chế để quản lý hết các nhóm này. Do vậy, trong thời gian tới cần xây dựng cơ chế để các nhóm cộng đồng báo cáo với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, từ đó các hoạt động tránh được trùng lắp, tập trung vào mảng ưu tiên và có tính bền vững hơn.
Tính bền vững của chương trình là thách thức lớn nhất của Cần Thơ, khi mà tới 90% nguồn lực hiện tại đều từ các nhà tài trợ quốc tế. Cần Thơ, nhờ những hỗ trợ đó cũng đã phần nào có được một hệ thống nhân sự chất lượng cao, một hệ thống dịch vụ tốt, nhưng tất cả những điều đó cần được duy trì với một nguồn đầu tư đáng kể. Để duy trì và nhân rộng hiệu quả của chương trình, các mô hình tiết kiệm chi phí hơn cần được nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng. Mô hình điều trị 2.0 có thể coi là bước khởi đầu cho sự thay đổi đó. Quan trọng hơn, Cần Thơ cần có một kế hoạch chuyển giao trong đó ưu tiên việc huy động nguồn lực từ cộng đồng. Đồng thời, nguồn ngân sách nhà nước và địa phương cũng cần từng bước thay đổi để bù đắp cho việc cắt giảm các nguồn tài trợ đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Phan Thị Thu Hương
Cục Phòng, chống HIV/AIDS
Thông tin khác:
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log