Thứ bảy, 28/12/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

40 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản đã được sản xuất tại Việt Nam

Cập nhật lúc 04:04 03/09/2014
Tính đến năm 2013, hơn 40 triệu liều vắc xin đã được sản xuất tại Việt Nam và đưa vào sử dụng, trong đó có 24.741.600 liều phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR); 14.535.855 liều cho các cơ sở tiêm dịch vụ và 4.447.050 liều xuất khẩu sang Ấn Độ
Năm 1989, Việt Nam đã tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) bất hoạt tinh khiết từ não chuột, được chuyển giao từ Viện Biken, Nhật Bản. Tính đến năm 2013, hơn 40 triệu liều vắc xin đã được sản xuất tại Việt Nam và đưa vào sử dụng, trong đó có 24.741.600 liều phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR); 14.535.855 liều cho các cơ sở tiêm dịch vụ và 4.447.050 liều xuất khẩu sang Ấn Độ. Ghi nhận của từ chương trình TCMR Quốc gia thì phản ứng sau tiêm chủng vắc xin VNNB là hiếm gặp. Các nghiên cứu trong nước cũng đã minh rằng vắc xin VNNB sản xuất tại Việt Nam có độ an toàn và hiệu quả bảo vệ cao.

1. Giới thiệu về bệnh và vắc xin.
Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính hệ thần kinh trung ương, xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Véc tơ truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex tritaeniorhynchus. Bệnh lưu hành hầu hết các nước thuộc châu Á và Tây Thái Bình Dương. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 50.000 trường hợp mắc bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong từ 20%-30%, 50% số còn lại để lại di chứng thần kinh với hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội [1].
Trong nửa đầu thế kỷ XX, bệnh VNNB chủ yếu xảy ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc [1]. Tại Nhật Bản, tỷ lệ mắc VNNB đã giảm xuống đáng kể nhờ chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Tuy nhiên, trong những năm gần đây bệnh có xu hướng lan rộng ở châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal. Nguyên nhân của sự lan rộng vi rút VNNB chưa rõ ràng, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết là do sự gia tăng trang trại chăn nuôi lợn gần nơi trồng lúa hoặc là sự di cư của các loài chim [5].
Ở nước ta, dịch thường xảy ra rải rác hàng năm khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhóm tuổi từ 1 đến 15 tuổi. Bệnh VNNB đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu [2]. Tỷ lệ mắc bệnh VNNB theo lứa tuổi, theo Thong charoen P. khi thống kê ở Thái Lan thấy như sau: tỷ lệ mắc chủ yếu ở nhóm dưới 14 tuổi và đặc biệt nhóm dưới 9 tuổi [3]. Tỷ lệ mắc giữa nam và nữ là 1,5 : 1. Việt Nam, theo điều tra dịch tễ học 1988 - 1992, tác giả Lê Hồng Phong và cộng sự cho thấy 2 năm có dịch lớn là 1988 và 1992; trong 119 quận, huyện, thị đã xác nhận có dịch lưu hành chủ yếu là nhóm trẻ dưới 15 tuổi, trong đó nhóm 1-9 tuổi chiếm 86,1% [2],[10].
Vi rút VNNB được truyền qua véc tơ là muỗi, đốt các động vật mang mầm bệnh như lợn và chim. Sau đó vi rút nhân lên ở muỗi và truyền bệnh cho người. Muỗi Culex tritaeniorhynchus là véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở châu Á. Ở miền Bắc Việt Nam chỉ số mật độ muỗi Culex tritaeniorhynchus tăng cao từ tháng 4 đến tháng 9 và tần số mắc bệnh VNNB tăng cao từ tháng 5 đến tháng 7. Muỗi C. vishnui, C. gelidus và C. pseudovishnui là véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở Ấn Độ. Mật độ muỗi trong vùng lưu hành dịch có liên quan đến việc bùng nổ những vụ dịch [8].
Vật chủ là ổ chứa vi rút trong thiên nhiên và là nơi khuyếch đại vi rút VNNB chủ yếu là lợn và một số loài chim. Tiêm phòng vắc xin VNNB cho lợn có thể làm giảm khả năng lan truyền bệnh ở một số nước. Việc này khó thực hiện được trên thực tế vì cứ 7 đến 8 tháng tuổi lợn đã bị giết mổ, khoảng thời gian còn lại để tiêm rất ngắn [9]. Do vậy, gây miễn dịch chủ động bằng vắc xin cho người là biện pháp có hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh. Việc sản xuất đủ vắc xin VNNB có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho trẻ em là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Vắc xin bất hoạt từ não chuột được sản xuất từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Đó là vắc xin thô chứa hỗn dịch 5% não chuột nhiễm vi rút đã được bất hoạt bằng focmalin. Hiệu lực và độ tinh khiết của vắc xin bất hoạt này chưa cao. Năm 1957 người ta đã có ý tưởng tinh chế vắc xin VNNB bằng protamin sulfat và than hoạt tính và cách làm này đã hạ thấp lượng protein trong vắc xin xuống còn 200 μg/ml. Với nhiều cải tiến kỹ thuật liên tiếp, cho đến nay phương pháp tinh chế vi rút bằng phương pháp hóa-lý của Takaku và cộng sự được coi là tiên tiến nhất và được áp dụng trong sản xuất vắc xin VNNB ở nhiều nước. Vắc xin này được cấp giấy chứng nhận năm 1954 ở Nhật Bản và năm 1992 ở Mỹ, đây là loại vắc xin bất hoạt, tinh khiết được dùng ở nhiều nước trên thế giới. Chủng sản xuất là chủng Nakayama hoặc chủng Beijing-1. Vắc xin an toàn và đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm 2 mũi là 91% sau khi tiêm mũi 3 là 97%.

2. Vắc xin viêm não Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam
Năm 1989, nhờ sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin VNNB từnão chuột từ Viện Biken, Nhật Bản. Năm 1995, công nghệ này đã trở thành thường quy của quy trình sản xuất vắc xin VNNB tại VABIOTECH với qui mô lớn, đáp ứng nhu cầu vắc xin cho trẻ em trên cả nước.
Tính đến năm 2013, sau hơn 20 năm kể từ khi nhận chuyển giao công nghệ đã có hơn 40 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản đã được sản xuất tại Việt Nam đưa vào sử dụng trong đó có 24.741.600 liều sử dụng cho chương trình TCMR; 14.535.855 liều cung ứng cho các cơ sở tiêm dịch vụ và 4.447.050 liều xuất khẩu sang Ấn Độ. Cho đến nay vắc xin VNNB là loại vắc xin duy nhất sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của chương trình TCMR quốc gia tính đến năm 2013, đã có 590/695 quận huyện có trẻ em được tiêm chủng vắc xin VNNB. Năm 2014, , Bộ Y tế và chương trình TCMR quốc gia đã đặt mục tiêu là tiêm chủng vắc xin VNNB cho trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi trong toàn quốc.

3. Mức độ an toàn và hiệu quả của vắc xin VNNB sản xuất tại Việt Nam
Kết quả thử nghiệm lâm sàng đánh giá phản ứng phụ, hiệu lực của vắc xin và khả năng bảo vệ của vắc xin ở VNNB trẻ từ 2- 4 tuổi năm 1992 tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh): phản ứng phụ chủ yếu là sốt, các phản ứng khác như sưng vùng tiêm, đau chỗ tiêm, đau đầu, ớn lạnh, đau bụng, phát ban, choáng… đều không xuất hiện trong thời gian theo dõi một tháng. 100% trẻ có đáp ứng kháng thể, kể cả đãtrẻ có kháng thể và trẻ không có kháng thể ở máu nền. Cả hai nhóm, một nhóm tiêm vắc xin VNNB sản xuất tại Việt Nam và một nhóm tiêm vắc xin sản suất tại Viện Biken - Nhật Bản cho thấy không có sự khác biệt về phản ứng phụ cũng như hiệu giá kháng thể [6].
Sau 4 năm tiêm chủng vắc xin VNNB từ 1997 – 2000, với gần 3,3 trệu lượt trẻ em được tiêm vắc xin VNNB tại 90 huyện có nguy cơ cao, không gặp một trường hợp tai biến nào xảy ra sau khi tiêm.
Tính đến năm 2013 đã có 24.741.600 liều vắc xin VNNB đã được đưa vào chương trình TCMR và theo ghi nhận của chương trình TCMR Quốc gia hiếm gặp các phản ứng sau tiêm chủng vắc xin VNNB
Thống kê do Nguyễn Thu Yến, và cộng sự tiến hành trong hai vụ dịch tại 27 xã ở huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) năm 1993 và 1994 cho thấy: năm 1993 có 43 trẻ mắc, 02 trẻ tử vong và năm 1994 có 25 trẻ mắc, có 01 trẻ tử vong, trong đó không có trẻ nào đã tiêm vắc xin VNNB. Với 10.615 trẻ đã tiêm vắc xin VNNB (JEVAX) được bảo vệ qua hai mùa dịch. Giám sát bệnh VNNB tại huyện Gia Lương, tỉnh HàBắc sốmắc/100.000 dân cho thấy: trước tiêm chủng tỷ lệ mắc trên 21,4/100.000 dân (1990-1995), từ năm 1993 đến năm 1999 với tỷlệtiêm vắc xin đạt 57,5% trẻ1-5 tuổi, tỷlệmắc giảm xuống còn 1,4/100.000 dân [7] [8].
Một nghiên cứu về hiệu quả phòng bệnh VNNB ở 3 tỉnh thuộc miền Bắc 1998-2007 (Hà Tây, Thanh Hóa và Bắc Giang) cho thấy tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản giảm ở nhóm tuổi từ 1 đến 5 tuổi tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tiêm phòng vắc xin. Tỷ lệ bảo vệ của vắc xin VNNB bất hoạt sản xuất từ não chuột của Việt Nam đối với trẻ từ 1 đến 5 tuổi ở 3 tỉnh này được xác định là 98,6% [9].
Kết quả giám sát huyết thanh học bệnh VNNB trong số các trường hợp hội chứng não cấp (HCNC) nghi do vi rút ở Bắc Giang, Thái Bình và Viện Nhi Trung ương bằng kỹ thuật MAC-ELISA cho thấy: tại Viện Nhi Trung ương giảm từ trên 70% trước năm 1997 xuống < 10% trong những năm gần đây; ở Bắc Giang đã giảm từ 33,3% - 42,6% (1999-2000) xuống 1,8% (2011); Thái Bình giảm từ 53,6% - 85,2% (2003-2005) xuống 1,4% (2011) [10].

4. Kết luận
Kết quả đạt được từ thử nghiệm lâm sàng đến kết quả theo dõi tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin VNNB qua nhiều năm cho thấy vắc xin VNNB bất hoạt tinh khiết sản xuất từ não chuột tại Việt Nam là an toàn và hiệu quả bảo vệ cao. Với mục tiêu năm 2014, tiêm chủng vắc xin VNNB bao phủ toàn quốc cho trẻ từ 1 tuổi đến 5, hy vọng rằng trong thời gian , Việt Nam sẽ khống chế thành công bệnh viêm não Nhật Bản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Okuno T. An epidemiological review of Japanese encephalitis. World Health stat. Q 1978; 120-150.
2.    Lê Hồng Phong, Trần Văn Tiến, Hoàng Thuỷ Nguyên, Phan Thị Ngà, Vũ Sinh Nam. Bệnh viêm não Nhật bản ở miền Bắc Việt nam 1988- 1992. Tạp chí VSPD 1996, tập VI, số 2(28): 11-15
3.    Thongcharoen P. Japanese encephalitis vi¬rus: An overview. Southeast Asian J. Trop. Med. public Heath 1989; 20: 559-573
4.    Mani T.R., Mohan Rao C.V.R., Rajendran R., et al. Surveillance for Japanese En¬cephalitis in Villages near Madurai, Tamil Nadu, India. Tran R Soc. Trop. Med. Hyg 1991; 85: 287-291
5.    Scherer W.F., Buescher E.L., Flemings M.B., Noguchi A., Sxanlon J. Ecologic studies of Japanese encephalitis virus in Ja¬pan. III. Mosquito factors. Zootropism and vertical flight of Culex triaeniorhynchus with observations on variations in collec¬tions from animal baited traps in different habitats. Am J Trop. Med .Hyg 1959; 8: 665-667
6.    Hoàng Thuỷ Nguyên, Huỳnh Phương Liên, M. Takagi, Đoàn Thị Thuỷ, Nguyễn Hồng Hạnh, Trần Văn Tiến, Nguyễn Thu Yến, Nguyễn Kim Việt, Nguyễn Anh Tuấn, Phan Thị Ngà, Bùi Hiền, Nguyễn Đức Hiền. Đáp ứng kháng thể sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) do Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà nội sản xuất. Tạp chí Vệ sinh phòng dịch 1993; số3 (12- phụ bản):
7.    Nguyễn Thu Yến, Hoàng Thuỷ Nguyên, Trần Văn Tiến, Huỳnh Phương Liên, Phan Thị Ngà, Vũ Sinh Nam, Nguyễn Thị Yên, Nguyễn Văn Đỗ và cộng sự. Kết quả bước đầu phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng vắc xin viêm não Nhật Bản do Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà Nội sản xuất tại huyện Gia Lương Tỉnh Hà Bắc. Tạp chí Vệ sinh phòng dịch, 1995, 5( 2): 5 – 9
8.    Nguyễn Thu Yến và cộng sự. Hiệu quả phòng bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) ở huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh sau 7 năm (1993-1999) gây miễn dịch bằng vắc xin VNNB của Viện VSDTTƯ sản xuất. Tạp chí Y học thực hành, 2002; 5: 76-78
9.    Phan Thị Ngà, Đỗ Phương Loan, Nguyễn Viết Hoàng, Bùi Minh Trang, Lê Thị Hiền Thu, Trần Như Dương. Hiệu quả phòng bệnh VNNB bằng vắc xin ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, 1998-2007. Tạp chí Y học dự phòng, 2010; 20 (5): 29-35
10.    Phan Thị Ngà, Đỗ Phương Loan và cs. Tác động của vắc xin phòng VNNB đến đặc điểm dịch tế huyết thanh học của VNNB ở Việt Nam. Tạp chí Y học dự phòng, 2013; 20(11): 62-68
Nguyễn Anh Tuấn
Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH)
Thông tin khác:
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log