Đặt vấn đề
Nhân lực ngành y tế nói chung và nhân lực y tế dự phòng (YTDP) nói riêng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hiện nay công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân lực cho hệ thống YTDP đang là vấn đề cấp thiết trong xây dựng Quy hoạch, Chiến lược và Chính sách của ngành y tế. Trong nhiều năm qua chương trình đào tạo nhân lực YTDP tại các cơ sở đào tạo chưa thực sự thu hút học viên theo học, chương trình đào tạo chưa thống nhất, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành (mô hình trường - viện). Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ (lương, phụ cấp) dành cho cán bộ YTDP còn thấp, chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với lao động đặc thù của ngành. Thực tế trên dẫn đến tình trạng cơ cấu cán bộ công tác tại các đơn vị chưa hợp lý, thiếu cán bộ được đào tạo chính quy, có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực y học dự phòng (YHDP), nhiều cán bộ được đào tạo các chuyên ngành chưa phù hợp với yêu cầu công việc, học viên ra trường không muốn về công tác ở các cơ sở YTDP và cán bộ không yên tâm gắn bó với công tác dự phòng. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, bài viết này sẽ điểm lại thực trạng nhân lực của các đơn vị thuộc hệ thống YTDP, bàn về nguyên nhân một số hạn chế hiện nay và khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng.
1. Thực trạng và nhu cầu về nhân lực y tế dự phòng
•
Tình hình chung
Theo thống kê năm 2009 cả nước ta có khoảng 16.500 cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực YTDP tại các cơ sở tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện. Sang đến năm 2011 con số này đạt xấp xỉ 17.100 cán bộ, chỉ tăng lên khoảng 3,5% so với năm 2009, cho thấy sự tăng trưởng về số lượng nhân lực YTDP nhìn chung còn rất khiếm tốn. Còn nếu so sánh với quy định tại Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ngày 05/6/2007 về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước (được coi là định mức nhu cầu của ngành) thì số lượng nhân lực trên đây mới chỉ đáp ứng khoảng 42% nhu cầu cán bộ cho hệ thống YTDP trên cả nước. Như vậy còn cần bổ sung khoảng 23.800 cán bộ, chiếm 58% tổng nhu cầu nhân lực. Phân tích nhu cầu nhân lực cần tăng lên theo tuyến cho thấy đối với tuyến trung ương là 1.018 (chiếm khoảng 4,3%), tuyến tỉnh 5.340 (chiếm 22,4%) và tuyến huyện 17.508 (chiếm 73,5%). Phân tích theo cơ cấu ngành đào tạo và cấp độ đào tạo có thể thấy nhu cầu cho cán bộ ngành y - dược khoảng 77,6%, các ngành khác khoảng 22,4%. Cụ thể hơn: Nhu cầu cho bác sỹ y khoa/y tế dự phòng khoảng 33,8%; cho cử nhân YTCC khoảng 16,7%; cho cử nhân xét nghiệm khoảng 5,3%; cho kỹ thuật viên trung cấp xét nghiệm khoảng 4,8%, nữ hộ sinh khoảng 5,9%, dược sỹ đại học khoảng 4,6%, dược sỹ trung cấp khoảng 3,8%; trong khi nhân lực trung cấp y lại có nhu cầu giảm đi ở những tỷ lệ phù hợp với từng cơ sở, đặc biệt đối với các đơn vị tuyến tỉnh. Đối với các ngành khác, gồm các cán bộ công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, hóa phân tích, cử nhân kinh tế, công nghệ thông tin, xã hội học...số lượng nhân lực còn thiếu khoảng trên 5300 người, chiếm 22,5% tổng số thiếu hụt theo nhu cầu, trong đó tập trung cao nhất ở cán bộ có trình độ đại học, chiếm 57% tổng số nhu cầu tăng thêm trong nhóm này.
• Tại tuyến trung ương
Phân tích số liệu năm 2011 cho thấy tại tuyến trung ương, bao gồm các cơ quan Bộ Y tế và các viện nghiên cứu tuyến trung ương, tổng số cán bộ YTDP có khoảng 2400 người, mới chỉ đáp ứng gần 76% nhu cầu theo Thông tư liên tịch số 08/2007. Trong số đó cán bộ thuộc ngành Y có khoảng 1300 người, chiếm 54%; các chuyên ngành khác khoảng 1100, chiếm 46%. Số cán bộ ngành y có trình độ sau đại học chỉ khoảng 400 người, chiếm 17% tổng số cán bộ YTDP đang công tác tại các cơ sở tuyến trung ương. Như vậy đối chiếu với nhu cầu quy định tại Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước tại các cơ sở YTDP tuyến trung ương thì số lượng nhân lực YTDP ở tuyến này còn thiếu khoảng 25% tổng nhân lực thiếu, trong đó tỷ lệ bác sỹ y khoa hoặc y tế dự phòng khoảng 30%, cử nhân y tế công cộng 30%, cử nhân xét nghiệm khoảng gần 10%, còn lại là các chuyên ngành đào tạo khác.
• Tại tuyến tỉnh, thành phố
Cũng theo số liệu năm 2011, số cán bộ công tác tại các cơ sở YTDP của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước khoảng 7.400 người. Trong đó số nhân lực được đào tạo chuyên ngành y chiếm khoảng 67%, các chuyên ngành khác chiếm 33%. Tỷ lệ cán bộ có trình độ bác sĩ y khoa hoặc y tế dự phòng chiếm 25% trong tổng số cán bộ YTDP làm việc tại tuyến tỉnh. So sánh với Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, trong đó quy định bộ phận chuyên môn ngành Y cần đạt tới 80 - 85% và tỷ lệ có trình độ bác sĩ trên 30% số nhân lực công tác tại các đơn vị YTDP, cho thấy có sự bất hợp lý về cơ cấu cán bộ trong các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ Bác sĩ. Nếu phân tích theo lĩnh vực chuyên ngành công tác thì sự mất cân đối càng rõ nét hơn. Trong khi có trên 49% số cán bộ làm việc tại các trung tâm YTDP, khoảng 21% tại các trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thì chỉ có khoảng 9,5% làm việc tại các trung tâm Phòng chống Sốt rét, khoảng 4,2% làm việc tại các trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế và chưa tới 3% ở các trung tâm Sức khỏe môi trường. Như vậy nếu xét theo số lượng nhân lực thì tổng số cán bộ YTDP ở tuyến tỉnh mới chỉ đáp ứng xấp xỉ 60% so với nhu cầu được quy định tại Thông tư 08/2007 (12.800 người). Còn cần bổ sung cho các cơ sở YTDP tuyến tỉnh trên cả nước khoảng 5300 cán bộ, chiếm 40% so với nhu cầu định mức tại Thông tư số 08/2007. Phân tích cụ thể hơn về cơ cấu chuyên ngành đào tạo cho thấy nhân lực có trình độ bác sỹ y khoa/y tế dự phòng có tỷ lệ cần được bổ sung cao nhất, chiếm khoảng 54% tổng số nhân lực cần tăng theo nhu cầu ở tuyến tỉnh, trong khi tỷ lệ này đối với cử nhân Y tế công cộng và cử nhân/trung cấp xét nghiệm khoảng 15% mỗi loại; còn lại phân bố đều cho các chuyên ngành đào tạo khác. Số cán bộ trình độ trung cấp y hiện đang chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng nhân lực YTDP tuyến tỉnh (khoảng 32% tổng nhân lực), do đó có nhu cầu giảm bớt tỷ trọng cán bộ thuộc nhóm này ở các cơ sở YTDP tuyến tỉnh. Nếu phân tích theo cơ sở YTDP tuyến tỉnh có thể thấy các trung tâm An toàn thực phẩm có tỷ lệ cần được bổ sung cao nhất (96,2% số lượng nhân lực hiện có), tiếp theo là các trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế (80,4%), trung tâm Sức khỏe môi trường (39%), trung tâm Phòng chống Sốt rét (31%), các trung tâm YTDP và Phòng chống HIV/AIDS có nhu cầu tăng thêm như nhau, khoảng 19% so với nhân lực hiện có.
• Tại tuyến huyện
Tổng số cán bộ hiện đang công tác tại hệ YTDP của 696 huyện, thị trên toàn quốc là 7.400 người. Trong đó trên 77% số cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ là trung cấp y, trong khi tỷ lệ bác sỹ chỉ chiếm khoảng 11%. Nếu so sánh với nhu cầu số lượng nhân lực quy định cho tuyến huyện tại Thông tư liên tịch số 08/2007 (là trên 24.900 người) thì số nhân lực còn thiếu hụt ở tuyến huyện khoảng 17.500 người, chiếm tới 70% tổng nhân lực theo nhu cầu cho các trung tâm y tế tuyến huyện. Khi phân tích nhu cầu theo cấp độ, chuyên ngành đào tạo cho thấy tỷ lệ bác sỹ y khoa hoặc y tế dự phòng là cao nhất, chiếm khoảng 28% tổng nhu cầu tăng nhân lực ở tuyến huyện. Tiếp theo là cử nhân YTCC chiếm khoảng 16%; nữ hộ sinh làm việc trong cơ sở YTDP chiếm khoảng 8%; còn lại là các chuyên ngành đào tạo khác, chiếm khoảng 4-5% ở mỗi chuyên ngành.
2. Thực trạng về cơ sở và phương thức đào tạo nhân lực y tế dự phòng
Để đáp ứng cho nhu cầu nhân lực YTDP trên toàn quốc, với truyền thống đào tạo của các nhà trường y – dược hơn 60 năm qua, đặc biệt trong vòng 10 năm gần đây, chúng ta đã thành lập một mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung cấp y, dược học trên cả ba miền và ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Thực trạng hiện nay về Đào tạo đại học: Cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học trong đó có 18 cơ sở công lập. Hiện có 5 trường đại học đào tạo cử nhân y tế công cộng và 7 trường đào tạo Bác sỹ y học dự phòng. Đào tạo cao đẳng: Tính đến năm 2010, có 74 trường cao đẳng, trong đó có 3 trường trực thuộc Bộ Y tế, các trường còn lại trực thuộc tỉnh, thành phố. Số trường cao đẳng y tế được nâng cấp từ trường trung cấp y tăng rất nhanh trong 2 năm gần đây. Đào tạo trung cấp: Có 44 trường trực thuộc các tỉnh, thành phố hoặc trực thuộc trung ương và Bộ Y tế quản lý. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều đã có một cơ sở đào tạo nhân lực y tế bậc trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (dược tá, công nhân kỹ thuật dược).
Hiện chúng ta đang duy trì 8 phương thức đào tạo cho cán bộ YTDP tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước bao gồm: Đào tạo chính quy; Đào tạo hợp đồng theo địa chỉ; Đào tạo liên thông; Đào tạo cử tuyển; Đào tạo vừa làm vừa học; Đào tạo văn bằng hai; Đào tạo cấp chứng chỉ cho người học có yêu cầu và Đào tạo liên tục.
Với mạng lưới các nhà trường y – dược rộng khắp và phương phức đào tạo khá đa dạng, phong phú như trên, trong những năm qua hệ đào tạo đã cơ bản cung cấp đầy đủ cán bộ cho lĩnh vực YTDP theo trình độ văn bằng cũng loại hình văn bằng chuyên môn như hiện nay. Tuy nhiên so với nhu cầu nhân lực quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước thì khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo y – dược trên cả nước cũng cần phải tăng lên khoảng gấp 2 lần so với khả năng đào tạo hiện nay.
3. Khó khăn, thách thức
Mặc dù Nhà nước và Bộ Y tế đã có những nỗ lực rất cao trong đầu tư nhân lực và trang thiết bị cho các cơ sở YTDP trên cả nước, nhưng do yêu cầu tăng lên không ngừng có tính bùng nổ về số lượng và chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trước những nguy cơ của bệnh dịch, biến đổi khí hậu, môi trường xã hội… đã dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Y tế nói chung, YTDP nói riêng. Có thể điểm qua những điểm nổi bật sau đây. Nguồn nhân lực hiện có thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, hầu hết bác sĩ của hệ dự phòng đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành về y tế dự phòng. Tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm và khó tuyển dụng được cán bộ đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Phân bổ chỉ tiêu biên chế chưa phù hợp và chưa thật đầy đủ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo cán bộ YTDP còn thiếu và lạc hậu. Tình trạng các phòng thí nghiệm thực hành của các trường xuống cấp hoặc chưa được trang bị tốt là rất phổ biến, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo cũng như kỹ năng, năng lực nghiên cứu khoa học của các trường.
Chương trình và loại hình đào tạo chưa có sự thống nhất, chậm đổi mới, nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa có định hướng loại hình đào tạo một cách ổn định, chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và cơ quan sử dụng nhân lực. Tài liệu đào tạo chưa được chuẩn hóa trong toàn quốc, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của chuyên ngành y học dự phòng. Chính sách đãi ngộ đối với nhân lực hoạt động trong lĩnh vực YTDP chưa đủ sức thu hút do vậy một số địa phương không thể tuyển được bác sĩ y khoa, bác sĩ y tế dự phòng, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
4. Một số khuyến nghị
Từ nay đến 2020 cần thực hiện các giải pháp để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực YTDP. Xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao làm việc cho lĩnh vực YTDP. Ưu tiên về học phí, học bổng cho học viên theo học các ngành có thể hướng tới phục vụ cho lĩnh vực YTDP. Nâng mức lương cơ bản và phụ cấp đặc thù cho cán bộ công tác tại một số vị trí, cơ sở trong lĩnh vực YTDP. Thống nhất khung, chương trình đào tạo trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên phạm vi cả nước. Xây dựng các giáo trình đào tạo chuẩn và thống nhất, thường xuyên cập nhật kiến thức trong nước và quốc tế, đào tạo chuyên ngành sâu trong lĩnh vực YTDP. Xây dựng đề án đào tạo giáo viên, giảng viên làm máy cái cho hệ thống đào tạo YHDP. Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, giảng viên về các lĩnh vực chuyên môn YTDP. Thực hiện gắn kết mô hình viện, trường, khuyến khích đào tạo nội trú, đào tạo chuyên khoa định hướng ở một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực YHDP. Đầu tư, nâng cấp cơ sở thực hành YTDP ở các tuyến để sinh viên có đủ điều kiện thực hành đáp ứng yêu cầu về đào tạo.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long
Bộ Y tế
GS.TS. Vũ Sinh Nam
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương