Chiến lược mới chủng ngừa vắc xin bại liệt
Cập nhật lúc 16:06 10/03/2015
Tạp chí Y học dự phòng số 1 -2015 xin giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Đức
Vắc xin bại liệt OPV (oral poliomyelitis vaccine) được đưa vào sử dụng từ những năm đầu
thập kỷ 50 của Thế kỷ XX, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh bại liệt
(poliomyelitis) ở trẻ em. Năm 1988 Đại hội đồng Y tế thế giới thông qua nghị quyết thanh toán
bệnh bại liệt vào năm 2000 trên toàn cầu. Vắc xin sống, giảm độc lực, dùng đường uống OPVtam
liên (t-OPV) với thành phần có đủ kháng nguyên týp 1, 2 và 3 của vi rút bại liệt là chế phẩm
chính được chọn cho mục đích thanh toán bại liệt do chi phí thấp, dễ dùng, khả năng tạo miễn dịch
đường ruột cao, có thể hỗ trợ nâng cao miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng t-OPV, xuất hiện tình trạng quay lại dạng độc lực của một
số chủng vi rút vắc xin, được gọi là vi rút bại liệt có nguồn gốc từ vắc xin (c-VDPV: circulating
vaccine-derived polioviruses). Điều đáng lưu ý là trong số các c-VDPV được giám sát và phát
hiện ở nhiều quốc gia trong 10 năm vừa qua thì c-VDPV týp 2 chiếm tới trên 80%. Trong số 250-
500 trường hợp bệnh bại liệt liên quan với vi rút vắc xin xảy ra hàng năm ước tính có khoảng
40% là do týp 2 (Recommendations of 63th meeting of the WHO Expert Committee on Biological
Standadization, 15 to 19 October 2012). Ngoài ra những thử nghiệm độc lập so sánh hiệu lực đáp
ứng miễn dịch giữa vắc xin t-OPV với các chế phẩm đơn liên (m-OPV) thì xu hướng chung chế
phẩm m-OPV đều cho kết quả đáp ứng miễn dịch cao hơn, ở những mức độ khác nhau, so với chế
phẩm t-OPV (T.Jacob John,et al, 2008).
Do một số hạn chế về giá thành và sự tiện lợi khi tiêm chủng, vắc xin bại liệt bất hoạt IPV
(inactivated polio vaccine) tuy ra đời rất sớm (1955, Jonas Salk) nhưng những năm gần đây mới
được kêu gọi sử dụng, kết hợp với OPV. Chế phẩm IPV có ưu điểm an toàn rất cao, không gây
ra hiện tượng bại liệt liên quan tới vắc xin do các c-VDPV, đồng thời có khả năng tạo ra kháng
thể trong hệ tuần hoàn là chính trong khi miễn dịch tại đường tiêu hóa rất hạn chế, vì thế người
dùng vắc xin vẫn có thể thải ra vi rút bại liệt độc lực (Polio-Global iradication initiative, www.
polioeradication.org/Home.aspx).
Những thực tế trên dẫn các nhà khoa học, các chuyên gia về kiểm soát bệnh bại liệt của WHO
tới đề xuất chuyển đổi chiến lược thanh toán và duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt từ việc
sử dụng duy nhất t-OPV hiện nay sang chiến lược sử dụng kết hợp OPV với IPV, trong đó chế
phẩm t-OPV được khuyến nghị chuyển sang dạng m-OPV hoặc dạng b-OPV (OPV có chứa 2 týp
kháng nguyên vi rút bại liệt là týp 1 và týp 3, bỏ týp 2).
Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt năm 2000 và duy trì được thành quả này trong 15 năm
qua. Tuy nhiên đứng trước nguy cơ rất cao sự xâm nhập của vi rút bại liệt qua nhiều con đường di
biến động cư dân quốc tế, chương trình Tiêm chủng mở rộng và hệ thống phòng chống dịch nói
chung vẫn cần có chiến lược chủng ngừa đúng đắn và cập nhật nhất. Theo GS. TS Nguyễn Trần
Hiển, chủ nhiệm Dự án TCMR quốc gia, Việt Nam sẽ bắt đầu tham gia chương trình thay thế vắc
xin ngừa bại liệt vào tháng 10-2015 nhằm phòng chủ động nguy cơ biến đổi theo hướng tái độc
lực ở virút gây bại liệt týp 2, hiện có trong thành phần vắc xin ngừa bại liệt dạng uống t-OPV
ở nước ta. Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới sẽ được Liên minh vắc xin và tiêm
chủng toàn cầu - GAVI hỗ trợ vắc xin mới. Theo đó, tháng 10-2015 trẻ em trong độ tuổi sẽ được
uống ba liều vắc xin ngừa bại liệt b-OPV, đồng thời được tiêm một mũi vắc xin ngừa bại liệt IPV.
Trung tâm Polyovac của Việt nam đã thành công trong việc nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm
vắc xin t-OPV trước đây và hiện nay là chế phẩm IPV và b-OPV. Sau những thử nghiệm lâm sàng
cần thiết, các chế phẩm b-OPV và IPV của Việt nam sẽ sớm được đưa vào sử dụng cho mục đích
gây miễn dịch cộng đồng, duy trì vững vàng thành quả thanh toán bại liệt hiện nay.
Phạm Đức
Sưu tầm và tổng hợp