Thứ năm, 21/11/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Mục tiêu loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam, 2017

Cập nhật lúc 04:15 03/09/2014
Dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế khu vực cùng những chứng cứ khoa học và khả năng thực tiễn, Chương trình TCMR và Bộ Y tế đã xác định mốc thời gian để có thể đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi ở Việt nam là năm 2017.
Bệnh sởi là một căn bệnh gây dịch phổ biến và nguy hiểm, đặc biệt đối với đối tượng trẻ em lứa tuổi 9 tháng tới 10 tuổi. Trên phạm vi toàn cầu, vào những năm đầu thập kỷ 70 của Thế kỷ XX khi mới bắt đầu của chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), số mắc sởi lên tới hàng trăm triệu trường hợp và tử vong do sởi hoặc có liên quan chặt chẽ với sởi khoảng 1,18 triệu người/năm (WPRO, Measles elemination field guide, 2013). Tại Việt Nam, kết quả giám sát dịch tễ cho thấy vào năm 1980 (trước khi bắt đầu chương trình TCMR) số mắc sởi khoảng trên 100 nghìn trường hợp/năm (tỷ lệ mắc tính trên 100.000 dân là 150,5) và số tử vong do sởi được ước tính 300 trường hợp/năm, chủ yếu do sởi biến chứng ở trẻ em dưới 5 tuổi (Dự án TCMR Quốc gia, Thành quả 25 năm Tiêm chủng mở rộng ở Việt nam, 2012). Sởi thực sự là bệnh gây ra gánh nặng lớn cho cộng đồng và ngành y tế.

Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trung bình toàn cầu (cột đứng) và của khu vực Tây TBD (đường số 1)
      Chương trình TCMR ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt nam, đã chọn vắc xin  sởi là một trong 6 loại vắc xin khởi đầu để cung cấp miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Kể từ khi khởi xướng TCMR tới nay hàng chục tỷ liều vắc xin sởi đã được tiêm cho trẻ em các lứa tuổi trên toàn cầu, với tỷ lệ tiêm đủ mũi khoảng 84% vào năm 2012, trong đó riêng khu vực Tây Thái Bình Dương đạt khoảng 92%  (WPRO, Measles elemination field guide, 2013). Tại Việt Nam tỷ lệ tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 5 tuổi từ 19% (năm 1985) đã lên tới khoảng 90% vào năm 1990 và sau đó liên tục duy trì tỷ lệ tiêm đủ mũi trung bình toàn quốc khoảng 95% từ năm 1995 tới nay. Nhờ một chương trình tiêm chủng có tính hệ thống như trên, kết hợp với những biện pháp dự phòng không đặc hiệu khác, chúng ta đã hạ thấp tỷ lệ mắc sởi xuống còn khoảng trên 2000 trường hợp (tỷ lệ mắc tính trên 100.000 dân là 3,0) vào năm 2010 và không có ca tử vong vào năm đó (Dự án TCMR Quốc gia, Thành quả 25 năm Tiêm chủng mở rộng ở Việt nam, 2012).
      Với những kết quả hạ thấp tỷ lệ mắc và chết do sởi một cách đáng kể do chương trình TCMR ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) đã đưa ra chiến lược “Loại trừ sởi” (Strategy for Measles elemination), thực hiện từng bước trên phạm vi toàn cầu. Các mốc loại trừ được xác nhận là Châu Mỹ vào năm 2000, Châu Âu và Địa Trung Hải vào năm 2015, Châu Phi và Nam Á vào năm 2020.
      Tổ chức Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, từ năm 2005 đã đưa ra mốc thời gian loại trừ sởi của Khu vực vào năm 2012. Tuy nhiên do tình hình thực tế khó khăn nên mốc thời gian đã được dịch chuyển sang năm 2017.  Tại phiên họp lần thứ 61 (tháng 6/2010) ở Manila Ủy ban Xác nhận Loại trừ sởi (XNLTS) của Khu vực được thành lập và kêu gọi Giám đốc Tổ chức Y tế khu vực thiết lập cơ chế XNLTS cho khu vực. Vào tháng 4/2012 Ủy ban XNLTS khu vực đã yêu cầu các quốc gia thành viên thành lập Ủy ban XNLTS của mình và gửi báo cáo thường niên về tiến độ loại trừ sởi lên Ủy ban Khu vực. Ngay sau đó ban hành cuốn tài liệu Hướng dẫn xác nhận loại trừ bệnh sởi khu vực Tây Thái Bình Dương (WPRO, Measles elemination field guide, 2013).

      Việt Nam, với những kết quả hạ thấp tỷ lệ mắc và tử vong do sởi rất ngoạn mục đạt được ở giai đoạn từ 2006 tới 2010 (có những năm hầu như không có ca sởi xác định), chúng ta đã bắt đầu đề cập và dự thảo các kế hoạch quốc gia thực hiện mục tiêu loại trừ sởi vào những năm đầu của Thập kỷ này. Tuy nhiên trên thực tế sởi là một bệnh dịch có diễn biến hết sức phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào quy luật chu kỳ dịch có tính tự nhiên cũng như vào diễn biến của tình hình khí hậu, thời tiết thay đổi từng năm, mà không chỉ tuân theo quy luật về trình độ miễn dịch cộng đồng thu được chủ yếu do tiêm chủng hệ thống. Chính vì thế chúng ta, cùng với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, đã trải qua những vụ dịch sởi trong năm 2009 và tệ hại nhất là các vụ dịch năm 2013-2014 vừa qua. Thực tế đó đã khiến chúng ta phải có cách nhìn nhận về quy luật dịch bệnh và đưa ra mốc thời gian cho mục tiêu loại trừ bệnh sởi một cách thận trọng hơn. Dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế khu vực cùng những chứng cứ khoa học và khả năng thực tiễn, Chương trình TCMR và Bộ Y tế đã xác định mốc thời gian để có thể đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi ở Việt nam là năm 2017.
      Loại trừ bệnh sởi được định nghĩa là “Không có vi rút sởi lưu hành ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ trong ít nhất 12 tháng với điều kiện hệ thống giám sát bệnh sởi được xác nhận đạt chất lượng tốt”. Cần lưu ý rằng chỉ riêng tỷ lệ mắc sởi thấp chưa đủ cơ sở để xác nhận một quốc gia đạt tiêu chuẩn loại trừ sởi. Việc đạt tỷ lệ mắc dưới một (1) ca sởi lưu hành trên một (1) triệu dân chỉ cho thấy quốc gia đó đang tiến gần tới mục tiêu loại trừ sởi.
      Để được xác nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi ở một quốc gia cần có 3 năm liên tiếp không có ca sởi lưu hành tại quốc gia đó trong điều kiện có hệ thống giám sát bệnh sởi đạt chất lượng tốt.
      Có ba (3) tiêu chí được tài liệu Hướng dẫn XNLTS của TCYTTG đưa ra làm điều kiện cơ bản cho việc xác nhận loại trừ bệnh sởi ở một quốc gia, đó là:
1.    Có đầy đủ tài liệu chứng minh không có sự lây truyền vi rút sởi lưu hành địa phương trong vòng 36 tháng (3 năm) liên tục kể từ khi ca sởi lưu hành cuối cùng được xác định;
2.    Có hệ thống giám sát bệnh sởi đạt tiêu chuẩn được xác nhận;
3.    Bằng chứng vi rút học và sinh học phân tử góp phần chứng minh không có sự lây truyền vi rút sởi lưu hành địa phương.
     Những Nội dung Chiến lược mà TCYTTG đưa ra nhằm đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi (được xác nhận) cho mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ tập trung ở 5 điểm sau đây:
1.    Đạt và duy trì tỷ lệ tiêm 2 liều vắc xin sởi ở mức cao (trên 95%) thông qua lịch tiêm chủng thường xuyên và hoạt động tiêm chủng bổ sung/chiến dịch khi cần thiết;
2.    Tiến hành giám sát trường hợp sởi theo đúng các định nghĩa ca bệnh đạt chất lượng tốt;
3.    Thực hiện lấy mẫu đủ và xét nghiệm đúng thời gian, chính xác tại các phòng thí nghiệm chuẩn để xác định ca nghi sởi/rubella hay loại trừ chúng;
4.    Xây dựng và duy trì kế hoạch đáp ứng với dịch sởi; và
5.    Đáp ứng kịp thời hiệu quả với vụ dịch sởi và quản lý ca bệnh chặt chẽ.
 Một hệ thống giám sát dịch tễ học bệnh sởi được coi là đạt tiêu chuẩn được xác nhận khi:
- Tỷ lệ báo cáo đầy đủ và đúng hạn cho tuyến quốc gia đạt ≥ 80%;
- Tỷ lệ phát hiện ca nghi sởi/rubella đã loại trừ không phải sởi, không phải rubella ở tuyến quốc gia ≥ 2/100.000 dân;
- Tỷ lệ ca nghi sởi được điều tra đầy đủ đạt chỉ tiêu: ≥80% ca nghi sởi. Điều tra đầy đủ là thu thập đủ các thông tin sau: Số xác định ca bệnh, ngày sinh/tuổi, giới, nơi ở, tình trạng tiêm chủng hoặc ngày tiêm liều vắc xin cuối, ngày phát ban, ngày thông báo, ngày điều tra, ngày lấy mẫu, nơi lây nhiễm hoặc tiền sử đi lại;
- Tỷ lệ ca nghi sởi được lấy mẫu đủ tiêu chuẩn đạt chỉ tiêu: ≥ 80% ca nghi sởi (không bao gồm những ca liên quan về dịch tễ). Mẫu xét nghiệm đạt chuẩn là mẫu huyết thanh (từ máu tĩnh mạch) đựng trong ống nghiệm vô trùng với 5ml ở trẻ lớn/người lớn và 1ml với trẻ nhỏ/sơ sinh, trong vòng 28 ngày sau phát ban.
- Tỷ lệ mẫu phòng thí nghiệm nhận được trong vòng 5 ngày sau khi lấy mẫu đạt chỉ tiêu: ≥ 80%.
- Tỷ lệ vụ dịch được lấy mẫu phân lập vi rút đạt chỉ tiêu: ≥ 80%.
    Đối với chỉ số giám sát phòng thí nghiệm bệnh sởi có những yêu cầu cần đạt như sau:
- Phòng thí nghiệm (PTN) xác nhận sởi/rubella phải được WHO công nhận cho hoạt động xét nghiệm huyết thanh và phân lập vi rút;
- Tỷ lệ PTN thông báo kết quả huyết thanh học trong vòng 4 ngày sau khi nhận mẫu đạt chỉ tiêu: ≥80%.
- PTN phải phân lập được vi rút và phân tích kiểu gen trong vòng 2 tháng sau khi nhận mẫu đạt chỉ tiêu: ≥80% số mẫu bệnh phẩm nhận được.
- Báo cáo đầy đủ và đúng thời gian (gồm cả báo cáo “0” ca bệnh) kết quả xét nghiệm mẫu huyết thanh học và vi rút học gửi tới WHO khu vực đạt chỉ tiêu: ≥80% số mẫu bệnh phẩm nhận được.
Chỉ số về miễn dịch quần thể coi là đạt yêu cầu khi:
- Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi đủ 2 mũi đạt chỉ tiêu: ≥ 95% toàn quốc và theo từng huyện;
- Tỷ lệ tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi đạt chỉ tiêu: ≥ 95% toàn quốc và theo từng huyện.
- Có các bằng chứng bổ sung:
Số liệu điều tra tỷ lệ bao phủ
Số liệu dịch tễ học huyết thanh
Các mô tả chiến lược tập trung và sự nỗ lực tăng cường để xác định và tiếp cận cộng đồng hoặc nhóm dân cư nguy cơ cao (như nhóm dân di cư, vùng sâu, xa, nghèo khó, dân tộc thiểu số…) trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung.
      Để thực hiện mục tiêu và các tiêu chí, nội dung chiến lược cũng như các yêu cầu cụ thể  của loại trừ sởi, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia Xác nhận loại trừ bệnh sởi (NCV) năm 2012. Uỷ ban XNLT sởi là tổ chức hoạt động độc lập với vai trò tư vấn cho Bộ Y tế, phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng, đánh giá và hệ thống hóa tài liệu cần thiết để xác nhận loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam.
Cũng với mục đích tập trung để đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 rất nhiều hoạt động phòng chống sởi được phát động và tăng cường trên toàn quốc hay ở từng địa phương. Trong đó chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella (MV) một cách rộng rãi cho trẻ em từ 1 tới 14 tuổi trên toàn quốc thực hiện trong năm 2014-2015 sẽ có ý nghĩa quyết định, tạo ra nền tảng miễn dịch cộng đồng toàn diện về cả phương diện lứa tuổi cũng như khu vực địa lý dân cư trên toàn bộ lãnh thổ nước ta.



 
Nguyễn Thị Thi Thơ
Ủy ban Quốc gia Xác nhận Loại trừ sởi
Thông tin khác:
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log