Chủ nhật, 22/12/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Định danh một số loài mạt bụi nhà phân lập ở Việt Nam bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu sự thay đổi năng lực sức khỏe tâm thần về trầm cảm và rối loạn lo âu của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội năm 2024
Chỉ số nhân trắc của học sinh dân tộc Gia Rai và Ba Na so với dân tộc Kinh tại trường trung học phổ thông tỉnh Gia Lai, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Huy động cộng đồng và xã hội hóa phòng chống véc tơ truyền bệnh

Cập nhật lúc 14:49 18/07/2022
Huy động cộng đồng là nền tảng lâu bền của phòng chống sốt xuất huyết dengue vì bệnh do muỗi truyền này lan truyền theo muỗi Aedes sinh sống trong nhà người dân. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy cả mô hình từ trên xuống và mô hình từ dưới lên nếu thực hiện đơn lẻ đều không bền vững.
Huy động cộng đồng là nền tảng lâu bền của phòng chống sốt xuất huyết dengue vì bệnh do muỗi truyền này lan truyền theo muỗi Aedes sinh sống trong nhà người dân. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy cả mô hình từ trên xuống và mô hình từ dưới lên nếu thực hiện đơn lẻ đều không bền vững. Việt Nam đã có rất nhiều thành công trong các chương trình huy động cộng đồng ở cấp độ xã/phường. Tuy nhiên ở các cấp độ cao hơn về phạm vi địa lý như huyện, tỉnh thì rất khó bền vững vì quản lý và điều hành chương trình cộng đồng rất tốn công sức và tài chính. Từ năm 1999 đến 2020, dự án phòng, chống sốt xuất huyết quốc gia đã thực hiện hợp phần cộng đồng này trên diện rộng với nhiều khó khăn và khó duy trì kinh phí cho hệ thống cộng tác viên và các hoạt động tại cấp độ cộng đồng và gia đình. Câu hỏi đặt ra là nguồn lực nào và cơ chế nào có thể thực hiện phòng chống véc tơ tại các hộ gia đình trong bối cảnh không có chương trình phòng chống sốt xuất huyết Quốc gia? Câu trả lời vẫn là phải huy động cộng đồng nhưng cần xã hội hóa cùng với sự kết hợp công tư. Bài viết này xin được đề cập tới vấn đề huy động cộng đồng trong phòng chống sốt xuất huyết trong vòng 30 năm qua và xu hướng xã hội hóa trên toàn cầu trong thế kỷ 21.
Sốt xuất huyết dengue đã và đang là vấn đề y tế công cộng toàn cầu và Việt Nam [1, 2]. Hiện nay biến đổi khí hậu, di dân và đô thị hoá càng làm thay đổi hệ sinh thái, các tương tác giữa các loài sinh vật và xã hội con người. Hệ quả là gia tăng nguy cơ bùng phát và lây lan các bệnh do véc tơ truyền như sốt xuất huyết dengue (SXHD), zika, chikungunya [3, 4]. Phòng chống bệnh
tật nói chung và phòng chống SXHD nói riêng có thể đi theo các hướng từ trên xuống và từ dưới lên. Chương trình từ trên xuống do nhà nước cấp kinh phí, các hoạt động đều được bao cấp, và rất thành công ở những nước bao cấp đủ kinh phí như Singapore; tuy nhiên, khó bền vững vì không có sự tham gia của cộng đồng - khi không còn đủ kinh phí hoạt động thì tình trạng của bệnh có thể trở lại như trước. Chương trình từ dưới lên, hay chương trình dựa vào cộng đồng, hy vọng cung cấp thông tin cho người dân để họ tự thay đổi hành vi, thái độ và tự hành động phòng chống bệnh; nhưng vì có quá nhiều lo toan trong cuộc sống, nên nhiều người lại cho rằng phòng chống bệnh tật là việc của y tế, vì vậy ngay cả khi họ đã có đầy đủ kiến thức về bệnh vẫn có một số đông không tự nguyện tham gia, hoặc tham gia không tích cực, do đó không làm thay đổi được tình hình bệnh. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đều khẳng định cả mô hình từ trên xuống và mô hình từ dưới lên nếu thực hiện đơn lẻ đều không bền vững. Việt Nam đã có rất nhiều thành công trong các chương trình huy động cộng đồng ở cấp độ xã/phường [5 - 7]. Tuy nhiên để mở rộng phạm vi áp dụng mô hình huyện, tỉnh thì rất khó bền vững vì quản lý và điều hành chương trình cộng đồng rất tốn công sức và tài chính. Dự án mục tiêu Phòng, chống bệnh SXHD được khởi động từ năm 1999 với hợp phần chương trình cộng đồng xây dựng và duy trì hệ thống cộng tác viên hỗ trợ các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng cho đến từng hộ gia đình, chính quyền chỉ đạo và y tế phụ trách chuyên môn. Trong 22 năm qua (1999 - 2020), chúng ta đã duy trì dự án này với mục tiêu khống chế số mắc và không để dịch bùng phát [8]. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình SXHD vẫn không hoàn toàn khống chế được, đặc biệt là các khu vực miền Trung và miền Nam. Hợp phần huy động cộng đồng trong dự án này cũng đã bị cắt giảm do thiếu nguồn lực về tài chính từ năm 2015 mặc dù một số địa phương như Hà Nội rất muốn duy trì vì hiển nhiên không thể khống chế SXHD nếu không tác động tới từng gia đình. Trong 5 thập niên qua, hầu hết công tác phòng chống dịch bệnh đều do y tế thực hiện nên quan niệm của người dân là ỷ lại chính quyền và y tế. Tuy nhiên, cơ chế thị trường đã mở rộng nhiều lựa chọn của từng người dân trong tiếp cận với các dịch vụ y tế công. Điển hình là dịch vụ tiêm chủng đã có nhiều hệ thống tiêm chủng tư nhân như Safpo, VNVC. Tuy nhiên với các bệnh dịch do véc tơ truyền, hệ quả không thấy ngay lập tức đến từng người nên huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư là rất khó khăn. Vì vậy câu hỏi nguồn lực nào và cơ chế nào có thể thực hiện phòng chống véc tơ hiệu quả tại các hộ gia đình luôn là một thách thức với các nhà quản lý và hệ thống y tế dự phòng. Câu trả lời theo chúng tôi vẫn là phải huy động cộng đồng nhưng cần xã hội hóa với sự tham gia đóng góp của tư nhân trong công tác phòng chống véc tơ như đã được triển khai ở nhiều nước phát triển: Mỹ, Nhật, Úc, Singapore… Vì vậy trong bài báo này, nhóm tác giả xin đề cập tới một số kinh nghiệm thành công huy động cộng đồng và xu hướng mới xã hội hóa công tác phòng chống bệnh do véc tơ truyền tại Việt Nam.
Huy động cộng đồng phòng chống véc tơ sốt xuất huyết dengue từ các dự án nghiên cứu:
Huy động cộng đồng đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai với sự tài trợ của quốc tế về kỹ thuật và tài chính trong nhiều năm. Đối với công tác phòng chống SXHD trong khoảng 20 năm (1995 - 2015), vào thời kỳ này, Việt Nam còn trong danh sách nước nghèo nên được quốc tế trợ giúp trong các chương trình y tế nhân đạo. Mô hình chủ động phòng chống SXHD được xây dựng kết hợp tiếp cận từ hai phía - trên xuống và dưới lên - trong đó huy động sự tham gia của cộng đồng thông qua hệ thống cộng tác viên y tế, chính quyền địa phương, và nhà trường (y tế là tư vấn kỹ thuật). Trong mô hình này, chính quyền trực tiếp chỉ đạo sự tham gia của các ban, ngành có liên quan và của nhà trường. Việc thành lập ban chỉ đạo tại tuyến cơ sở là rất quan trọng với ba thành phần chính là chính quyền, y tế và nhà trường để đảm bảo cho các hoạt động kiểm soát véc tơ SXHD triển khai thực sự tại cộng đồng, quản lý, theo dõi, đồng thời kịp thời điều chỉnh kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương [5, 6]. Trong giai đoạn 1, từ năm 1998 đến 2000, kết quả áp dụng mô hình này đã thành công trong phòng chống muỗi truyền SXHD ở 3 tỉnh miền Bắc, loại trừ Ae. aegypti tại 6 xã/phường thuộc các tỉnh Nam Định, Hưng Yên (vùng nông thôn), và Hải Phòng (vùng thành thị). Từ năm 2000 đến 2003 (giai đoạn II), mô hình được áp dụng tại 3 xã miền Trung (5.913 hộ dân và 27.167 người) tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Quần thể Ae. aegypti hoàn toàn bị loại trừ tại 2 xã Cẩm Thanh và Bình Chánh; tại xã Ninh Xuân, quần thể muỗi giảm 99,6% so với trước thử nghiệm. Giai đoạn III (2004 - 2007) được tiến hành tại 2 xã thuộc hai tỉnh Long An và Hậu Giang - sau 3 năm quần thể Ae. aegypti giảm 98% so với trước thử nghiệm. Ở tất cả các địa điểm thử nghiệm, tác nhân sinh học Mesocyclops đã phát triển tốt sau khi phóng thả, và tỷ lệ dụng cụ chứa nước lớn có Mesocyclops được duy trì từ 50 đến 70%. Những xã thực hiện mô hình đều là nơi có dịch SXHD những năm trước thử nghiệm. Sau thử nghiệm, bệnh không còn ghi nhận từ năm 2001 (tại các xã miền Bắc) hoặc từ năm 2002 (tại các xã miền Trung), trong khi các xã xung quanh dịch bệnh vẫn lưu hành với tỷ lệ mắc cao (112,8 trên 100.000 dân) [5].
Để duy trì hoạt động diệt bọ gậy muỗi SXHD ở cộng đồng, cơ chế dự án nhỏ (khoảng 5.000 USD cho mỗi xã) để sinh lãi, kết hợp với sự hỗ trợ từ chính quyền đã tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động sau khi kết thúc dự án, sau 6 năm chuyển giao cho địa phương tự tổ chức và điều hành, các hoạt động phòng chống SXHD tại các xã vẫn được duy trì hàng tháng và không ghi nhận trường hợp mắc SXHD ở các tỉnh miền Bắc; số mắc ở các thực địa miền Trung và miền Nam giảm nhiều so với trước thử nghiệm và các xã lân cận. Nghiên cứu độc lập về định lượng và định tính tại các thực địa miền Bắc (năm 2005), miền Trung (năm 2007) và miền Nam (năm 2014), đã chứng minh mô hình này có hiệu quả và bền vững với mức chi phí khoảng 1.800 đồng/người/năm [5].
Các dự án cộng đồng ứng dụng Mesocyclops tại Việt Nam
Nghiên cứu trên thực địa nhỏ do WHO tài trợ (1993 - 1994)
Áp dụng mô hình cộng đồng sử dụng Mesocyclops trên quy mô một xã tại Hà Tây (1994 - 1995)
Mở rộng mô hình sang các xã lân cận thuộc tỉnh Hà Tây, 3 tỉnh miền Trung và 1 tỉnh miền Nam do MCNV tài trợ (1995 - 1997)
Dự án sử dụng Mesocyclops tại 3 tỉnh miền Bắc Việt Nam do Úc tài trợ (Giai đoạn I: 1998 - 2000)
Áp dụng mô hình phòng chống tại 3 tỉnh miền Trung (Giai đoạn II: 2000 - 2002)
Áp dụng mô hình phòng chống tại 2 tỉnh miền Nam (Giai đoạn III: 2003 - 2005)
Hỗ trợ mô hình thử nghiệm tại Campuchia (2002 - 2005)
Kết hợp mô hình phòng chống với dự án cung cấp nước sạch nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long (2005 - 2010).
Ứng dụng mô hình để phòng chống véc tơ truyền SXHD và Chikungunya tại miền Bắc do Pháp tài trợ (2008 - 2010).
Phối hợp Mesocyclops với rèm tẩm hóa chất diệt muỗi tại 1 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do WHO - TDR tài trợ (2008 - 2011).
Nguồn: sách Giám sát và phòng chống côn trùng và động vật của một số bệnh phổ biến ở người. NXB Y học, 2021.
Với xu hướng toàn cầu hoá và sự tương tác phức tạp giữa các vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội, sức khoẻ, biến đổi khí hậu v.v. cách tiếp cận sinh thái sức khỏe (ecohealth) ngày càng được chú trọng. Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đang ngày càng đánh giá cao nghiên cứu sinh thái sức khỏe với cách tiếp cận xuyên ngành, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu với các bên liên quan và sự chủ động tham gia của cộng đồng bị tác động trong xác định vấn đề, xây dựng và triển khai các chương trình can thiệp quản lý các nguy cơ sức khoẻ. Đảo Cát Bà của Việt Nam được chọn là 1 trong 6 điểm du lịch nổi tiếng tại 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia vào dự án sử dụng phân tích xuyên ngành để hiểu rõ hơn về sinh học, hệ sinh thái và các yếu tố xã hội liên quan đến SXHD, qua đó phát triển và đánh giá các biện pháp quản lý liên ngành lấy hệ sinh thái và cộng đồng làm trung tâm hướng tới việc giảm môi trường sống véc tơ sốt xuất huyết. Sau 2 năm thực hiện, chương trình cộng đồng này đã làm giảm 97,8% đến 100% quần thể muỗi Ae. aegypti so với trước can thiệp. Kiến thức, thái độ, hành vi của người dân tăng so với trước can thiệp. Phương pháp phòng chống SXHD sức khỏe sinh thái được người dân chấp nhận và chính quyền hưởng ứng. Hiệu quả can thiệp tăng từ 9,6% đến 59,1%. Không ghi nhận bệnh nhân mắc SXHD sau 2 năm áp dụng phương pháp phòng chống tại khu vực can thiệp.
Hình 1. Mật độ muỗi Ae. aegypti khu vực dân cư, nhóm can thiệp và nhóm chứng tại Cát Bà, 2013 - 2015
Hình 2. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết dengue/100.000 dân tại Cát Bà, Cát Hải và Hải Phòng, 2013 – 2015
Nguồn: Sách Giám sát và phòng chống côn trùng và động vật của một số bệnh phổ biến ở người. NXB Y học, 2021.
Huy động cộng đồng phòng chống véc tơ sốt xuất huyết dengue trong dự án mục tiêu quốc gia:
Dự án mục tiêu Phòng, chống bệnh SXHD được khởi động từ năm 1999 với hợp phần chương trình cộng đồng xây dựng và duy trì hệ thống cộng tác viên hỗ trợ các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng cho đến từng hộ gia đình, chính quyền chỉ đạo và y tế phụ trách chuyên môn. Trong 22 năm qua (1999 - 2020), chúng ta đã duy trì dự án này với mục tiêu khống chế số mắc, giảm tỷ lệ chết và không để dịch bùng phát [5 - 8]. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình SXHD vẫn không hoàn toàn khống chế được đặc biệt là các khu vực miền Trung và miền Nam. Hợp phần huy động cộng đồng trong dự án này cũng đã bị cắt giảm do thiếu nguồn lực về tài chính từ năm 2015 mặc dù một số địa phương như Hà Nội rất muốn duy trì vì không thể khống chế SXHD nếu hoạt động diệt bọ gậy/lăng quăng không thực sự được thực hiện ở từng gia đình. Cho đến nay, nguồn tài chính của chương trình này hoàn toàn từ ngân sách nhà nước nên không đủ cung ứng cho một hệ thống rộng khắp trên cả nước theo cơ chế bao cấp. Hơn thế, nếu ngân sách hàng năm của chương trình này là 100 tỷ đồng thì số tiền chi cho mỗi người dân chỉ là 1 nghìn đồng cho cả hệ thống y tế từ Trung ương tới xã/phường và tổ dân phố nên không thể duy trì hoạt động cộng đồng trên diện rộng. Vì vậy cần xã hội hóa công tác này để từng địa phương, từng nhóm đối tượng và từng gia đình chủ động lựa chọn phương thức phù hợp để bảo vệ cho gia đình mình, cho cộng đồng bằng nguồn lực của chính mình.
Huy động cộng đồng từ tiếp cận xã hội hóa:
Ngày nay, khi nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường và Việt Nam đã thoát nghèo, các tổ chức, cá nhân bắt buộc phải chuyển đổi từ bao cấp sang hạch toán kinh tế, kể cả các chương trình y tế công cộng dùng ngân sách nhà nước. Huy động cộng đồng tham gia lại càng quan trọng trong các chương trình y tế bắt buộc phải thực hiện nội dung nội lực. Vấn đề này nói thì có vẻ dễ, nhưng làm lại rất khó vì tâm lý thụ động, ỷ lại cho y tế, đợi người khác chăm lo cho sức khỏe của mình còn ảnh hưởng trầm trọng từ thời bao cấp. Bên cạnh đó, sinh kế cuộc sống hàng ngày cũng chi phối từng người dân, từng gia đình và cộng đồng. Mặc dù muỗi và bọ gậy truyền bệnh SXHD đều phát sinh từ nhà dân nhưng ít ai trong vùng nguy cơ của bệnh này (khu dân cư đông đúc, cơ sở hạ tầng kém) có khả năng phòng trừ côn trùng tại nhà mình. Nếu có một vài nhà làm được thì nguy cơ từ các nhà xung quanh vẫn còn nhiều. Vì vậy cùng nhau huy động nguồn lực tài chính để sử dụng dịch vụ từ các công ty chuyên nghiệp phòng trừ sinh vật gây hại đang là một xu hướng tại các khu dân cư có dân trí và tiềm năng kinh tế cao như khu đô thị mới Time City, Hà Nội, Ecopark, Hưng Yên. Những khu này ít có nguy cơ SXHD vì cơ sở hạ tầng tốt, ít dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản của muỗi và đặc biệt là họ sử dụng dịch vụ phòng trừ sinh vật gây hại thường xuyên tại khu công cộng và mỗi gia đình đã tự bảo vệ bằng các phương thức chủ động.
Khái niệm “xã hội hóa” đã và đang được sử dụng trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có các vấn đề y tế công cộng và phòng chống dịch bệnh. Trong suốt 4 thập niên vừa qua, mặc dù đã đổi mới theo cơ chế thị trường nhưng cơ chế bao cấp về y tế, nhất là y tế dự phòng vẫn còn rất nặng nề trong toàn xã hội. Đó là ý thức từ thời bao cấp khi mọi người dân đều trông chờ vào trách nhiệm chăm sóc y tế miễn phí từ Nhà nước và các chương trình y tế được viện trợ quốc tế cho các nước nghèo. Cơ chế kinh tế đa thành phần đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và xã hội hóa rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Sự phát triển này đã phân hóa các tầng lớp người dân về ý thức tự bảo vệ gia đình và bản thân đối với các nguy cơ dịch bệnh. Trước nhu cầu thực tế của xã hội, nhiều công ty tư nhân đã được thành lập để sản xuất, phân phối, làm dịch vụ phòng trừ sinh vật gây hại tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài đã vào hoạt động trong lĩnh vực này với các sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt hơn cho người dân lựa chọn. Đây chính là nền tảng xã hội hóa công tác phòng trừ côn trùng và sinh vật gây hại gia dụng và y tế cũng như bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ bùng phát bệnh do véc tơ truyền. Hoạt động của các đơn vị tư nhân đã đóng góp làm giảm thiểu gánh nặng phòng chống dịch cho ngành y tế để dồn lực chăm sóc cho các cộng đồng nghèo và nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn.
Đứng từ góc nhìn của người dân, rất nhiều gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, spa đã sử dụng dịch vụ chủ động phòng trừ côn trùng và các sinh vật gây hại do các công ty tư nhân thực hiện để phòng chống bệnh do véc tơ truyền như sốt xuất huyết Dengue, zika, viêm não Nhật Bản B… trong nhiều năm nay. Đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 nổi lên, nhu cầu khử trùng cũng tăng đột biến và hầu hết được thực hiện bởi các công ty dịch vụ. Chính vì vậy, cơ sở để xã hội hóa công tác phòng chống dịch thông qua dịch vụ của các công
ty là khả thi cả hai phía: nhà cung cấp dịch vụ và người cần dịch vụ. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, công tác chống dịch nên dựa và chuyển giao cho các công ty tư nhân đủ tiêu chuẩn để thực hiện các hợp đồng phòng trừ côn trùng truyền bệnh theo chỉ đạo và giám sát của ngành y tế tại các cộng đồng có nguy cơ nhằm giảm tải cho ngành y tế và đa dạng hóa theo nhu cầu của cộng đồng. Đây là xu hướng của toàn cầu mà các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện từ nhiều thập kỷ qua.
Một ví dụ về chuyển đổi cơ chế trong phòng trừ các bệnh do véc tơ truyền tại Nhật Bản. Sau thế chiến thứ hai (1945), Nhật Bản đi vào suy thoái trầm trọng tới mức phải nhờ quân đội Mỹ xử lý các dịch bệnh liên quan tới chấy rận tại cộng đồng. Thập kỷ 1960 - 1970, khi nền kinh tế phục
hồi và phát triển mạnh mẽ, chính phủ Nhật Bản đã xây dựng hệ thống phòng trừ dịch bệnh do véc tơ truyền trên toàn quốc với nguồn ngân sách quốc gia. Sau nhiều thập kỷ hoạt động kém hiệu quả của hệ thống này, từ những năm 1980, chính phủ Nhật Bản đã thay đổi chính sách và giao công tác phòng trừ sinh vật gây hại cho các công ty dịch vụ tư nhân dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Chính sách này đã thúc đẩy các công ty dịch vụ phát triển mạnh mẽ với nhiều công ty đa quốc gia như Sumitomo chemical…
Hình 3. Thành lập Hội phòng trừ côn trùng Việt Nam (VPMA)
Nguồn: Sách Giám sát và phòng chống côn trùng và động vật của một số bệnh phổ biến ở người. NXB Y học, 2021
Các nước phát triển trên thế giới đều vận hành theo cơ chế này và phòng trừ sinh vật gây hại là một lĩnh vực hoạt động cần thiết của xã hội. Hiện nay, trên thế giới có hiệp hội nghề nghiệp phòng trừ sinh vật gây hại như Mỹ (National Pest Management Association), Singapore (Singapore Pest Management Association), Anh (British Pest Control Association), Úc (Australian Pest Control Association), Indonesia (Indonesia Pest Control Association), Thái Lan (Thailand Pest Control Association).
Việt Nam đã thành lập Hội Phòng trừ côn trùng Việt Nam (VPMA: Vietnam Pest Management
Association) theo quyết định số 829/QĐ-BNV ngày 17/9/2019 với các tiêu chí hoạt động là không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng; phòng trừ côn trùng gây hại hợp lý, hiệu quả và an toàn cho con người và môi trường; góp phần phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện chất lượng giống nòi. Cho đến nay, Hội đã tạo ra một “hệ sinh thái mở” cho các thành viên chia sẻ những kinh nghiệm, sản phẩm và công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Kết nối với Hiệp hội phòng trừ sinh vật gây hại Châu Á và các hiệp hội khác có liên quan như Hội Y học dự phòng Việt Nam. Qua đó nâng cao hiệu quả và tính an toàn cho các dịch vụ công cộng tại cộng đồng và người dân được tiếp cận với các sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn và an toàn hơn. Hội cũng đã tham gia các hoạt động xã hội trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 năm 2020 với sự tham gia của 154 lượt người cùng 56 lượt máy phun khử trùng môi trường tại các cộng đồng có nguy cơ cao như khu chung cư và trường tiểu học Đặng Xá huyện Gia Lâm, xã Hải Bối huyện Đông Anh, xã Văn Bình huyện Thường Tín Thành phố Hà Nội. Các thành viên của Hội cũng đã quyên góp một số vật tư và tài chính với tổng giá trị là 50 triệu đồng để hỗ trợ đồng bào miền Trung phòng chống bệnh tật sau trận lụt tháng 10/2020. Toàn bộ hỗ trợ này Hội đã chuyển cho Trung tâm phòng chống bệnh tật Hà Tĩnh để thực hiện các hoạt động tại cộng đồng vùng lũ lụt. Tháng 4 năm 2020, Hội đã phối hợp với Trung tâm phòng chống bệnh tật Sơn La chủ động phòng chống muỗi truyền bệnh và ngoại ký sinh cho 3 trường học và bản người Mông xã Mường Thải huyện Phù Yên tỉnh Sơn La. Đây là những hoạt động khởi đầu cho sự kết hợp công tư phòng trừ côn trùng và khử trùng, thể hiện rõ năng lực đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, một định hướng tương lai cần được mở rộng và phát triển.
Huy động cộng đồng và xã hội hóa phòng chống véc tơ truyền bệnh là thực tiễn cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay không còn hợp phần cộng đồng trong dự án phòng chống sốt xuất huyết quốc gia và cả dự án này cũng không còn kinh phí hoạt động từ năm 2021. Qua những dẫn liệu và phân tích về xu hướng đã được một số quốc gia áp dụng trong nhiều năm qua, nhóm tác giả kiến nghị cần xã hội hóa với sự kết hợp công tư trong công tác phòng, chống chủ động sốt xuất huyết dengue tại cộng đồng theo từng nhóm nguy cơ và từng khu vực dân cư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gubler DJ. Epidemic dengue/dengue hemorrhagic fever as a public health, social and economic problem in the 21st century. Trends Microbiol. 2002; 10 (2): 100 - 103.
2. Gubler DJ. The global emergence/resurgence of arboviral diseases as public health problems. Arch Med Res. 2002; 33 (4): 330 - 342.
3. Arunachalam N, Tana S, Espino F, et al. Eco-Bio-Social Determinants of dengue vector breeding: a multicountry study in urban and peri-urban Asia. Bull. Wld. Hlth. Org. 2010; 88: 173 - 184.
4. Trần Vũ Phong, Trần Công Tú, Vũ Sinh Nam, và cộng sự. Xác định các yếu tố sinh học - sinh thái - xã hội biến đổi liên quan đến du lịch và sốt xuất huyết dengue tại đảo Cát Bà, Hải Phòng. Tạp chí Y học dự phòng. 2013; 11 (147): 113 - 119.
5. Vũ Sinh Nam, Trần Vũ Phong, Nguyễn Thị Yên, Brian HK. Đánh giá hiệu quả và tính bền vững của mô hình cộng đồng sử dụng tác nhân sinh học Mesocyclops trong phòng chống sốt xuất huyết dengue tại Việt Nam. Tạp chí Y học dự phòng. 2009; 101 (2): 90 -1 01.
6. Trần Vũ Phong, Vũ Sinh Nam, Nguyễn Trần Hiển, và cộng sự. Hiệu quả phòng chống sốt dengue với chiến dịch tham gia của cộng đồng. Tạp chí Y học dự phòng. 2010; 6 (114) 2010: 239 - 244.
7. Nam V, Yen NT, Phong TV, et al. Elimination Of Dengue By Community Programs Using
Mesocyclops(Copepoda) Against Aedes Aegypti In Central Vietnam. Am J Trop Med Hyg. 2005; 72 (1): 67 - 73.
8. Bộ Y tế. Hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết dengue, chương trình giám sát bệnh sốt xuất huyết dengue quốc qia. Hà Nội. 2014.

 
Trần Vũ Phong, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Tâm, Trần Công Tú, Trần Chí Cường, Vũ Sinh Nam
Thông tin khác:
Ngày 14 – 15/6/2024 Hội Thính học Việt Nam đã phối hợp cùng Liên Chi hội Thính học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Chi hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thính Học – Tai Mũi Họng Quốc tế lần thứ III
Website tcyhdp.vjpm.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log