Đuối nước, một tai nạn rất thường gặp trong cộng đồng dân cư, nhất là nơi nhiều ao hồ, sông ngòi hay các bãi tắm biển. Tuy nhiên, vấn đề y tế công cộng này vẫn thường bị thờ ơ.
Thông tin đuối nước được tổng hợp chưa được thống nhất ở tất cả các nước, nhưng theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng ngừa - Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, cùng nhiều nghiên cứu khác cho biết: Đuối nước là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong ở các trường hợp tử vong do chấn thương trong nhóm trẻ dưới 15 tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên giữa độ tuổi 15-24 chiếm tỷ lệ đuối nước cao nhất. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế từ 2005-2010, cho thấy: Đuối nước là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở Việt Nam và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng đuối nước có thể bao gồm: tuổi, giới, mức độ kỹ năng, điều kiện sức khỏe và các tác nhân như sử dụng rượu và ma túy. Điều kiện kinh tế xã hội, yếu tố địa lý, khí hậu thời tiết có thể dẫn đến việc gia tăng đuối nước.
Theo các tác giả Donald, Modell và nhiều tác giả khác thì tỷ suất tử vong đuối nước đã giảm nhiều ở các nước phát triển, từ 7/100.000 năm 1978 xuống còn khoảng 2/100.000 những năm 1990. Ở Úc (2011) là 1,4/100.000. Tuy nhiên, có lẽ có việc thống kê chưa được chú ý đúng mức, nên chưa phản ánh được chính xác thực trạng này ở những nước đang phát triển. Ở Mỹ, có khoảng 7.000 ca tử vong mỗi năm, với khoảng 90.000 ca đuối nước gần. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới về gánh nặng bệnh tật toàn cầu thì tỉ suất tử vong toàn thể trường hợp đuối nước ước tính vào khoảng 8,4/100000 nghìn dân Tử vong do tai nạn đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu tử vong ở các chấn thương không chủ định ở Mỹ và các nước, chỉ đứng hàng thứ 2 sau tử vong do tai nạn giao thông ở Australia và Mỹ, nhưng nguyên nhân chủ yếu gây tử vong tập trung ở một số nhóm tuổi. Những trường hợp tử vong do đuối nước tại bể bơi hầu hết ở độ tuổi còn rất trẻ: đó là những trường hợp tử vong do lướt sóng là ở tuổi vị thành niên và thanh niên. Những trường hợp tử vong ở biển và đại dương thường gặp ở thuyền viên và người đánh cá ở nhóm tuổi trưởng thành và những trường hợp đuối nước trong bồn tắm đặc biệt nguy hiểm cho trẻ 6 tháng đến 1 năm tuổi, gặp chủ yếu ở những trẻ em ốm yếu, tật nguyền hoặc là do bị sát hại.
Theo thống kê của Cục quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế từ 2005-2010, cho thấy trung bình mỗi năm có 6.126 trường hợp tử vong do đuối nước trên toàn quốc. Tỷ suất tử vong do đuối nước là 7,8/100.000 người năm và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Đối với trẻ em, mối năm có trung bình 3.516 trường hợp tử vong, tương đương khoảng 10 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước mỗi ngày. Thống kê cho thấy, Thanh Hóa là địa phương có tổng số trường hợp tử vong do đuối nước cao nhất với trung bình 365 trường hợp/năm, tiếp theo là Nghệ An (318 trường hợp/năm), Hà Nội, Đắc Lắc, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Bình Định, Hải Phòng, Quảng Nam.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2011), trên địa bàn tỉnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra 378 vụ tai nạn, thương tích trẻ em, làm chết 36 em, trong đó có 28 trẻ chết do đuối nước, trong số 71 ca tử vong do đuối nước, chiếm tới 39,4%.
Một số đặc điểm dịch tễ học đuối nước Đặc điểm tuổi: Theo báo cáo về phòng chống thương tích ở trẻ em và báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước được xếp hạng thứ 13 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi, với nguy cơ cao nhất trong nhóm 1 - 4 tuổi. Trong độ tuổi 15 – 44 thì đuối nước là nguyên nhân thứ 10 gây tử vong. Một báo cáo của Tổ chức cứu hộ Hoàng gia Úc, cho thấy các nhóm tuổi có nguy cơ cao: 0 - 4, 18 – 34 và trên 55 tuổi. Báo cáo thống kê đuối nước không chủ định của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa kỳ (CDC) cũng cho biết tỷ suất đuối nước cao nhất ở nhóm 1 - 4 tuổi. Năm 2009, trong số trẻ 1-4 tuổi chết do chấn thương không chủ định thì hơn 30% là do đuối nước.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2007 có 3.786 trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi 0 - 19 tuổi tử vong vì đuối nước. Con số này tương đương với tỷ suất tử vong là 10,4 trường hợp/100.000 trẻ, cao gấp 3 lần tử vong do đuối nước ở các nước phát triển, điều này phản ánh thực trạng đáng báo động về vấn đề đuối nước ở Việt Nam. Đuối nước là nguyên nhân tai nạn thương tích gây tử vong hàng đầu (48%) ở lứa tuổi 0-19 tuổi.
Theo thống kê của Cục quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế (2005-2010): Tỷ suất tử vong chung do đuối nước ở trẻ em là 12,2/100.000 trẻ. Trong đó, tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi với trung bình 22 trẻ/100.000 trẻ năm. Trẻ em trong độ tuổi từ 0-4 có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất (35,2%); tiếp theo là độ tuổi từ 5-9 (24,6%) và 10-14 chiếm 24%; và thấp nhất là ở nhóm tuổi từ 15-19 chiếm 16,3%.
Đặc điểm giới: Thống kê tại Mỹ cho thấy có một tỷ lệ cao bất thường những nạn nhân bị đuối nước là nam giới ở tuổi thanh thiếu niên, bao gồm cả những tai nạn bất ngờ hoặc do bị giết. Theo báo cáo thống kê đuối nước tại Úc, 5 năm (2008-2012), cho thấy: Nam giới bị tử vong do đuối nước nhiều hơn nữ giới ở mọi lứa tuổi, nhiều nghiên cứu cho thấy: gần 80% trường hợp tử vong do đuối nước là nam giới.
Đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội: Theo các báo cáo của Hiệp hội cứu hộ Hoàng gia Úc thì 10-19% số trường hợp đuối nước xảy ra ở biển. Tại Việt Nam: 59% số trường hợp đuối nước xảy ra ở sông và suối, 28,2% ở ao, 7,7% ở biển và 5,1% xảy ra trong nhà. Những quốc đảo với dân số đông như Nhật Bản và Indonesia, dễ bị nguy hiểm hơn những quốc gia lục địa lớn.
Có sự khác biệt lớn trong phân bố của tình trạng đuối nước theo khu vực, ở những nước có mức thu nhập thấp và trung bình đuối nước cao gấp 6 lần so với các nước có thu nhập cao. Các nước có thu nhập thấp và trung bình khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất (13,9/100.000), tiếp theo là khu vực châu Phi (7,2/100.000). Theo thống kê tại Mỹ về mối liên quan dân tộc, chủng tộc cho thấy: Năm 2000 - 2004, tỷ lệ tử vong do đuối nước không chủ định đối với người Mỹ gốc Phi là 1,3 lần, người Mỹ gốc Ấn là 1,8 lần so với người da trắng. Tuy nhiên trong các nhóm tuổi có thể cao hơn nhiều, ví dụ: tỷ lệ ở nhóm 5-14 tuổi đối với người Mỹ gốc Phi là 3,2 lần, người Mỹ gốc Ấn là 2,6 lần.
Tỷ lệ tử vong đuối nước ở châu Mỹ, châu Phi có dấu hiệu cao hơn ở người da trắng vùng bên kia bán cầu ở tất cả lứa tuổi, sự chênh lệch lớn nhất ở lứa tuổi 5- 14 (3 lần). Tỷ lệ đuối nước dựa trên dân số chứ không dựa trên hoạt động liên quan đến nước, như vậy tỷ lệ chênh hơn nhiều giữa châu Phi, châu Mỹ với dân da trắng lân cận khi chúng ta so sánh như vậy.
Đặc điểm sức khỏe, kỹ năng bơi, sử dụng rượu, bia. Kết quả điều tra KAP ở khách du lịch của chúng tôi (
Phạm Đình Hùng,
Bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng Trung ương) tại Sầm Sơn cho thấy: xảy ra đuối nước gặp nhiều nhất là do bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, uống nhiều rượu bia (97,1%), phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả khác.
Không biết bơi là nguy cơ quan trọng: qua đánh giá nhanh của UNICEF vào tháng 5/2007 thì ở một số trường tiểu học thuộc tĩnh Hà Tĩnh, chưa đến 10% học sinh có thể bơi được khoảng cách 25m. Nghiên cứu cho thấy tham gia bài học bơi đúng cách, có thể giảm nguy cơ đuối nước ngay cả ở trẻ 1- 4 tuổi. Nghiên cứu của chúng tôi tại Sầm Sơn cho thấy: Tỷ lệ khách du lịch biết bơi bị đuối nước (10,8%), ít hơn những người không biết bơi (24,2%).
Tình trạng uống nhiều rượu, bia, quá đói, quá no, tình trạng bệnh tật, yếu tố thần kinh, tinh thần có ảnh hưởng đến mức độ đuối nước. Trong số vị thành niên và người lớn tuổi bị chết do đuối nước, liên quan các trò giải trí dưới nước có tới 25% - 50% dùng rượu, là nguy cơ chính lên tới 50% đuối nước ở trẻ nam vị thành niên. Các nguyên nhân khác như: đau tim gây ngất, đau đầu làm người bị nạn không vượt lên khỏi mặt nước.
Đặc điểm khí hậu thời tiết, thủy triều và thời gian tắm: Nhiệt độ của của nước biển chịu ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, của gió. Các yếu tố này có thể gây bất lợi cho người đi biển hoặc những bệnh lý như say nắng, viêm da do bức xạ... hoặc nhũng bệnh lý chung như cảm nhiệt, hạ nhiệt độ hoặc các tai nạn như đuối nước, ngã trên tàu...
Từ xa xưa người dân có kinh nghiệm xem xét nhận đình thời tiết để dự đoán. Khi gió to sóng lớn bão tố không được ra biển. Nhiều năm trước đây, nhất là khi chưa có thông tin dự báo thời tiết kịp thời, nhiều tàu thuyền đánh cá gặp phải sóng to, gió lớn, tai nạn đột ngột xảy ra không còn ai trở về được nữa. Hiện nay việc nghiên cứu giữa đuối nước với chế độ gió, mưa, lũ lụt cũng đã được các tác giả đề cập tới.
Dòng rút, được đánh giá là một hiện tượng tự nhiên nguy hiểm đối với những người làm việc hoặc tắm biển ở các vùng ven bờ, đặc biệt đối với những người không biết hoặc bơi yếu, do có hướng chảy chủ yếu tách bờ ra khơi và có tốc độ dòng khá lớn. Dòng rút thường hẹp, có chiều ngang khoảng từ 1-3 mét, làm cho người biết bơi kiệt sức, hoảng loạn rồi chết đuối do kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy vào bờ. Đối với người không biết bơi, dòng rút có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn. Dòng rút chưa được nghiên cứu và hiểu biết nhiều nên hiện tại vẫn chưa thống nhất được tên gọi nhất quán trong khoa học, nhằm để phổ biến rộng rãi trong công chúng. Tại các địa phương, dòng rút được gọi bằng các tên khác nhau, như dòng xoáy, dòng rút, dòng xoáy đứt đoạn, dòng nước lừa, ao xoáy, vũng xoáy, ống xoáy, lò hút, v.v..
Theo nhận định của nhân dân vùng biển thì thời gian tắm trong ngày và khoảng thời gian mỗi lần tắm có tác động đến khả năng xảy ra đuối nước. Các trường hợp đuối nước dễ xảy ra khi tắm trước 5 giờ sáng và sau 20 giờ, đồng thời thời gian tắm càng lâu thì nguy cơ đuối nước càng cao.
Kết luận Một số thông tin nêu trên về tình hình và đặc điểm dịch tễ học đuối nước, được tổng hợp từ các nghiên cứu trên thế giới và trong nước đưa ra minh chứng xác đáng hơn về các yếu tố nguy cơ làm tăng đuối nước có thể bao gồm: tuổi, giới, mức độ kỹ năng, điều kiện sức khỏe và các tác nhân như sử dụng rượu và ma túy. Điều kiện kinh tế xã hội, yếu tố địa lý, khí hậu thời tiết, thời gian dài dưới nước có thể dẫn đến việc gia tăng đuối nước. Hiện nay, mối liên quan giữa đuối nước và các yếu tố nêu trên ở nước ta còn ít nghiên cứu bàn luận tới, việc ghi nhận các trường hợp đuối nước chưa có sự thống nhất với tiêu chuẩn ở các nước trên Thế giới.
Các số liệu tổng hợp trên đây nhằm bổ sung thêm một số thông tin về thực trạng đuối nước để cộng đồng, các cơ quan chức năng tham khảo đưa ra các biện pháp can thiệp thích hợp nhằm giảm thiểu đuối nước, đồng thời làm cơ sở dữ liệu cho việc thống kê đuối nước, các nghiên cứu và can thiệp sau này.