Bệnh không lây nhiễm (KLN), thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ bệnh KLN có thể dự phòng được. Có bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
GS. TS Nguyễn Trần Hiển báo cáo tại Hội nghị khoa học YHDP 2015
1. Gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khoảng 57 triệu trường hợp tử vong năm 2008 có 36 triệu, chiếm 63% trường hợp là do bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân hàng đầu của tử vong do bệnh KLN trên toàn cầu năm 2008 là bệnh tim mạch (17 triệu người, hay 48% số ca tử vong do bệnh KLN).
Theo báo cáo toàn cầu về bệnh KLN của tổ chức này năm 2014, tim mạch vẫn chiếm tỷ lệ cao là 46%, ung thư 22%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chiếm 10% về nguyên nhân tử vong do bệnh KLN mọi độ tuổi. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những khu vực có tỷ lệ tử vong cao do bệnh KLN so với các khu vực khác trên thế giới. Ước tính thiệt hại về kinh tế do 4 nhóm bệnh KLN chính chiếm khoảng 30 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới.
Ở Việt Nam, theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế các bệnh KLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 trường hợp tử vong thì có 7 người chết do các bệnh KLN. Tổ chức Y tế thế giới ước tính năm 2012 Việt Nam có 520.000 ca tử vong, trong đó tử vong do các bệnh KLN chiếm tới 73% (khoảng 379.600 ca). Có tới 43% số ca tử vong do bệnh KLN xảy ra trước 70 tuổi. Hàng năm có 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, đồng thời phát hiện khoảng 125.000 trường hợp ung thư mới. Tỷ lệ dân số mắc bệnh cao huyết áp là 25%, bệnh tiểu đường (ở nhóm tuổi 20-79) là 5,8%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng từ 15 tuổi trở lên là 2,2%.
2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm
Các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: (i) hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), (ii) thiếu vận động thể lực, (iii) lạm dụng rượu, bia và (iv) chế độ ăn không hợp lý. Theo một điều tra quốc gia thực hiện năm 2009 – 2010 (ở nhóm người 25 – 64 tuổi) ở Việt Nam cho kết quả:
- Tỷ lệ người bị thừa cân và béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và có rối loạn tăng lipid máu lần lượt là 12,0%, 19,2%, 2,7% và 30,1%.
- Tỷ lệ nam giới hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào) thường xuyên vẫn còn cao, tới 56,4%.
- Khoảng 25% nam giới uống rượu , bia ở mức gây hại.
- Khoảng 80% người Việt Nam không ăn đủ lượng hoa quả và rau xanh.
- Số người thiếu vận động thể lực ở mức gây hại chiếm khoảng 28,7%.
3. Chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm có thể tránh được thông qua giảm thiểu những yếu tố nguy cơ (áp dụng các biện pháp dự phòng cấp 1, cấp 2), đồng thời tăng cường hệ thống y tế, tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để quản lý và chăm sóc cho người đã mắc bệnh KLN (áp dụng các biện pháp dự phòng cấp 2, cấp 3).
Trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một số chiến lược và phương thức để phòng chống bệnh KLN như sau:
• Chuyển đổi từ cách tiếp cận từng bệnh KLN riêng lẻ sang lồng ghép các bệnh trong quá trình chăm sóc người bệnh.
• Sử dụng các biện pháp Y tế dự phòng làm nền tảng trong phòng, chống bệnh KLN.
• Sử dụng chiến lược phối hợp chặt chẽ các ban ngành có liên quan, tập trung phòng chống yếu tố nguy cơ thông qua hành động liên ngành, thực hiện mục tiêu quốc gia, xây dựng môi trường lành mạnh nâng cao sức khoẻ.
• Ban hành các luật và văn bản pháp qui như: Cấm hút thuốc nơi công cộng; áp mức thuế cao đối với các hàng hóa tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, thuốc lá; khuyến khích chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực lành mạnh, phù hợp với mức sống cộng đồng…
Tại Việt Nam trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025, ban hành theo Quyết định số 376/QĐ -TTG của Thủ tướng chính phủ ngày 20 tháng 3 năm 2015 có nêu rõ mục tiêu và các giải pháp trong vấn đề này. Cụ thể như sau:
Mục tiêu chung: Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mục tiêu cụ thể:
• Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
• Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
• Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
• Nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác.
4. Thuận lợi, thách thức và triển vọng
Trong hệ thống Y tế dự phòng ở nước ta, kiểm soát bệnh KLN có những điểm mạnh như độ bao phủ rộng tới tận thôn, ấp, bản; có kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; một số chương trình phòng chống bệnh KLN đã được triển khai có hiệu quả.
Bệnh KLN là vấn đề được ưu tiên của quốc gia và ngày càng có vai trò nổi lên. Chiến lược kiểm soát, phòng chống luôn được sự cam kết hỗ trợ của quốc tế cũng như môi trường chính sách trong nước ủng hộ.Tuy nhiên hệ thống này vẫn còn có những điểm yếu như năng lực về phòng, chống bệnh KLN còn kém, chưa có đơn vị chuyên trách riêng biệt cũng như chưa có hệ thống giám sát bệnh KLN. Điều này gây khó khăn trong việc hợp tác, huy động sự tham gia của các bên liên quan.
Tình trạng phân tách của hệ thống y tế, nhất là việc chia tách hai hệ điều trị và hệ y tế dự phòng, trong đó hệ y tế dự phòng có nhiều tiềm năng nhưng mới chỉ tham gia rất ít vào công tác phòng chống bệnh KLN, là một trong những rào cản quan trọng trong lĩnh vực này.
Với sự trợ giúp của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định trong phòng, chống bệnh KLN như: Kế hoạch Hành động phòng chống bệnh KLN giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được triển khai thành công đối với một số bệnh KLN trên cả nước và một số địa phương trọng điểm; tiểu ban Dự phòng bệnh KLN trong
Ban chỉ đạo phòng chống bệnh KLN quốc gia, với sự tham gia của các bộ ngành khác đã được thành lập để thúc đẩy hành động liên ngành phòng chống bệnh KLN; quản lý bệnh KLN đang được chuyển từ bệnh viện sang cộng đồng và nhân rộng một cách toàn diện hơn.
Hy vọng rằng khi Chương trình phòng chống bệnh KLN đã trở thành Chương trình Mục tiêu quốc gia, với nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể mà tiên phong là ngành Y tế sẽ giảm thiểu đáng kể những mất mát về kinh tế và con người do những bệnh KLN gây ra.